Yên Bái: Tăng cường các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Thanh Ngà| 27/11/2020 16:15

(TN&MT) - Mới đây, UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 2311/QĐ-UBND về việc thực hiện “Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án sẽ tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); mở rộng mạng lưới thu gom, vận chuyển xử lý chất thải; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; tạo cơ sở pháp lý kinh tế và kỹ thuật cho việc hoạch định các chương trình, dự án đầu tư nhằm tăng cường và nâng cao tỷ lệ CTRSH được thu gom và xử lý tập trung đảm bảo các quy định của pháp luật, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra.

Yên Bái tăng cường các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Với mục tiêu đến năm 2025, đối với khu vực đô thị 93% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp sản xuất phân hữu cơ, phấn đấu tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom. Sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt hoặc thay thế cho túi nilon khó phân hủy.

Đối với khu vực nông thôn, 80% lượng chất thải phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu môi trường. Trong đó, trên 50% lượng chất thải phát sinh được thu gom, xử lý tập trung; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân.

Cùng với đó, 95% các bãi chôn lấp CTRSH tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đến hết năm 2030, phấn đấu tỷ lệ CTRSH được thu gom, vận chuyển xử lý tập trung ở khu vực đô thị đạt tối thiểu 95%; khu vực nông thôn đạt 60%; sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các chợ, cửa hàng tạp hóa, cơ sở kinh doanh thương mại phục vụ cho các mục đích sinh hoạt thay thế túi nilon khó phân hủy.

Theo đề án, để thực hiện được điều đó, thứ nhất, cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước về CTRSH: Đổi mới, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách, quy hoạch CTRSH; hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; đầu tư trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển và ứng dụng, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quản lý CTRSH.

Thứ hai, tăng cường năng lực xử lý CTRSH: Đầu tư các khu xử lý CTRSH tập trung; có biện pháp xử lý chất thải đối với địa bàn không có hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung; đầu tư nâng cấp, cải tạo các khu xử lý hiện đại; đóng cửa các bãi chôn lấp.

Thứ ba, cần tăng cường nâng cao nhận thức, sự tham gia và trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Tăng cường các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO