Yên Bái: Phấn đấu xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024
(TN&MT) - Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnhYên Bái giai đoạn 2023-2025 nhằm giúp đỡ cho các hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững. Xung quanh nội dung này phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Ngô Thanh Giang – Giám đốc Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái.
PV: Thưa ông, được biết tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực triển khai đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025 (đề án). Xin ông cho biết kết quả triển khai đề án cho đến nay?
Ông Ngô Thanh Giang: Thực hiện đề án, hàng năm UBND tỉnh Yên Bái đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với thực tế. Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương tỉnh Yên Bái đã lên phương án huy động thêm ngân sách tỉnh, kết hợp với huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa khác để hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở.
Năm 2023, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân, sự hỗ trợ chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ làm mới 1.305 nhà, sửa chữa 293 nhà với tổng 1.598 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, có 828 nhà được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 177 nhà được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 593 nhà được hỗ trợ từ các nguồn huy động khác của tỉnh, đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2023.
Tổng kinh phí huy động làm nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kế hoạch ước đạt 191,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 39,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và huy động xã hội hoá theo kế hoạch 39,7 tỷ đồng, huy động thêm từ gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư 90,9 tỷ đồng, vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội 22 tỷ đồng.
Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến hỗ trợ làm mới, sửa chữa cho 1.424 nhà (làm mới 1.046 nhà, sửa chữa 378 nhà) với tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ 69,9 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh đã khởi công 500 nhà (làm mới 371 nhà, sửa chữa 129 nhà) đạt 35,1% kế hoạch năm.
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn kế hoạch trong năm 2024 và mục tiêu đến năm 2025?
Ông Ngô Thanh Giang: Theo mục tiêu của Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025, đến hết năm 2024 tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu đề án là 3022 nhà, đạt 100% kế hoạch.
Để đạt mục tiêu đó, năm 2024, toàn tỉnh Yên Bái sẽ hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.424 nhà (làm mới 1.046 nhà, sửa chữa 378 nhà) với tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ (chưa bao gồm các nguồn kinh phí huy động từ gia đình và cộng đồng dân cư) là 69,9 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ làm mới 653 nhà thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với kinh phí 35,9 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 26,1 tỷ đồng, huy động xã hội hoá 9,8 tỷ đồng).
PV: Trong quá trình triển khai Đề án gặp khó khăn ra sao? Tỉnh đã có kế hoạch như thế nào để hoàn thành mục tiêu của Đề án?
Ông Ngô Thanh Giang: Khi tỉnh triển khai đề án gặp rất nhiều khó khăn, bởi đề án có số hộ cần hỗ trợ làm nhà khá lớn, mức hỗ trợ cao hơn quy định của Trung ương, địa bàn triển khai trải rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Đề án được triển khai trong bối cảnh tỉnh Yên Bái còn có nhiều khó khăn về ngân sách, đời sống, thu nhập của người dân còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
Hơn nữa, để thực hiện đề án tỉnh Yên Bái cần huy động một nguồn lực rất lớn để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số kinh phí cần hỗ trợ khoảng 149 tỷ đồng. Trong khi Yên Bái là một tỉnh nghèo, nguồn lực ngân sách tỉnh còn hạn chế, vì vậy đòi hỏi phải huy động được một nguồn lực xã hội hóa lớn.
Các hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà đều là các hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí đối ứng của gia đình rất hạn chế. Nhiều hộ gia đình các thành viên là trẻ em, người cao tuổi hoặc người khuyết tật nên không có khả năng triển khai xây dựng nhà ở từ nguồn kinh phí hỗ trợ. Do đó chính quyền và các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư của địa phương phải trực tiếp thực hiện triển khai làm nhà cho các hộ này.
Một số hộ gia đình có chủ hộ là người cao tuổi, trẻ em, thường xuyên có sự thay đổi về hoàn cảnh như: Ốm đau, được người khác đưa về chăm sóc hoặc không chủ động được về nguồn kinh phí đối ứng làm nhà. Do đó nhu cầu về hỗ trợ nhà ở thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, các phong tục như xem tuổi, chọn ngày làm nhà… còn tồn tại khá phổ biến ở một số địa phương cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và đảm bảo tiến độ theo đề án.
Để khắc phục những khó khăn trên, tỉnh Yên Bái đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực. Đặc biệt là nguồn lực huy động từ xã hội hóa để thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong triển khai tổ chức thực hiện. Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự tổ chức làm nhà, các địa phương có trách nhiệm huy động hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư nơi đối tượng cư trú để tổ chức làm nhà cho các đối tượng.
Ngoài mức kinh phí đã được hỗ trợ theo đề án, các địa phương chủ động huy động thêm nhân công, vật liệu; phân công cụ thể cán bộ phụ trách thôn, bản, tổ dân phố để hướng dẫn, đôn đốc các hộ gia đình làm nhà theo đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai đề án, kế hoạch tại các địa phương, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!