Yên Bái: Đột phá về hạ tầng giao thông, tạo đà cho sự phát triển

Thanh Ngà| 13/04/2021 18:25

(TN&MT) - Năm 2020, tỉnh Yên Bái được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Yên Bái cùng các địa phương phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và tạo diện mạo mới cho quê hương Yên Bái.

Ưu tiên các công trình trọng điểm

Năm 2020 tỉnh Yên Bái đã dành nguồn lực trên 2.800 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm, có tác động lớn đến việc phát triển, mở rộng không gian đô thị và kinh tế - xã hội.

Thành phố Yên Bái đang trên đà phấn đấu trở thành đô thị loại II, cụ thể hóa mục tiêu đó, những năm gần đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tầm vóc, giá trị lịch sử liên tiếp được khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị, nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.

Hạ tầng giao thông Yên Bái có bước đột phá, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Ông Trần Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố được đầu tư nhiều dự án trọng điểm, đến nay các dự án đã xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng cũng là mục tiêu để phát triển đô thị sang phía hữu ngạn sông Hồng trong thời gian tới.

Ngày 19/5/2020, đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình đường nối Quốc lộ 32C với Cao tốc Nội Bài- Lào Cai chính thức được thông xe kĩ thuật với tổng mức đầu tư 930 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến trên 15 km, bề rộng mặt đường 33m, quy mô 4 làn xe chạy, có dải phân cách giữa, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng và chỉ dẫn giao thông được đầu tư khang trang, hiện đại.

Công trình được đầu tư đã giúp cho mạng lưới giao thông của thành phố Yên Bái và các địa phương lân cận phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận tiện với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, mở rộng không gian đô thị sang phía hữu ngạn sông Hồng, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái chia sẻ: Cho đến hôm nay người dân chúng tôi rất phấn khởi, sau khi sát nhập 2 xã và công trình đường nối Quốc lộ 32C với Cao tốc Nội Bài- Lào Cai đã tạo thế mạnh thúc đẩy xã chúng tôi lên phường trong thời gian sớm nhất.

Hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ

Không chỉ riêng thành phố Yên Bái mà ở các địa phương khác, nhiều công trình có quy mô lớn, hiện đại đã được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng. Tại huyện Trấn Yên chỉ sau 1 năm xây dựng, cầu Cổ Phúc, cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng của tỉnh Yên Bái và cũng là cây cầu lớn vượt sông Hồng đầu tiên của huyện Trấn Yên đã chính hoàn thành mang đến niềm vui, sự phấn khởi, tự hào cho hàng nghìn hộ dân của huyện Trấn Yên, mở ra cơ hội lớn cho địa phương phát triển.

Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ từ nông thôn đến thành thị

Cùng với các tuyến cao tốc, tỉnh lộ, huyện lộ, các trục đường liên xã, liên thôn, xóm trên địa bàn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo một cách đồng loạt. Cầu Cổ Phúc khi hoàn thành đã góp phần tạo nên một hệ thống giao thông thuận lợi, thuận tiện cho giao thương, đi lại của nhân dân, mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung.

Ông Trần Đông - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên: Công trình cầu Cổ Phúc Trấn Yên là cây cầu lịch sử đối với huyện Trấn Yên. Cây cầu đã đáp ứng được sự mong mỏi của cán bộ và nhân dân trong huyện. Khi cây cầu hoàn thành đi vào sử dụng đã kết nối giao thương hai vùng kinh tế của huyện bởi trước đây bị ngăn cách bởi hai bờ sông. Cùng với đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đặc biệt là các cháu học sinh. Tạo kết nối giao thương và vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ kinh doanh trên địa bàn huyện tạo đà phát triển cho nhiệm kỳ này.

Năm 2021, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục đầu tư nhiều dự án quan trọng về hạ tầng giao thông tạo điều kiện đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025

Hết năm 2020 toàn tỉnh cũng đã kiên cố hoá được gần 520 km đường giao thông nông thôn, đạt gần 173% so với kế hoạch đề ra. Giờ đây 100% địa phương trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông thuận tiện, đi lại được cả 4 mùa.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành GTVT, Yên Bái đã có mạng lưới giao thông đa dạng, đồng bộ, tạo điều kiện để tỉnh Yên Bái tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại, phát triển văn hóa xã hội...không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước mà còn giúp cho tỉnh Yên Bái dễ dàng tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2021, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục đầu tư nhiều dự án quan trọng về hạ tầng giao thông như: đường nối Quốc lộ 32 từ thị xã Nghĩa Lộ đi tỉnh lộ 174 lên huyện Trạm Tấu; đường Trạm Tấu – Bắc Yên; đường nối Quốc lộ 32C với Quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Ông Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái cho biết: Trong thời gian tới, ngành GTVT sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt các đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt hạ tầng giao thông đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng và phát triển đồng bộ thành thị và nông thôn để không có sự chênh lệch quá lớn giữa hạ tầng vùng trung tâm, vùng sâu vùng xa nhằm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển hàng đầu ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Những thành tựu nổi bật của ngành giao thông vận tải đạt được chính là nền tảng, là tiền đề quan trọng để Yên Bái tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó góp phần làm cho diện mạo quê hương Yên Bái ngày càng đổi thay, khởi sắc, vững bước cùng cả nước đi lên trên chặng đường đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Đột phá về hạ tầng giao thông, tạo đà cho sự phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO