Môi trường

Xuất khẩu xanh - Xu thế tất yếu trong cuộc chơi toàn cầu

Khánh Ly 05/12/2023 - 10:30

(TN&MT) - Trong giai đoạn hiện nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp được xem là cơ hội để các quốc gia gia tăng hàng rào bảo hộ thương mại, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến môi trường.

Ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn xanh, bền vững đối với hàng hóa xuất khẩu, gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu xanh, bền vững và các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang hình thành nên "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư.

Lực cản đã được báo trước

Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam giảm lần lượt 14,1% và 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

8a.jpg
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều quy định mới về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, các chuyên gia nhận định, tình hình xuất nhập khẩu trong tháng cuối năm, thậm chí sang năm tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử... chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ hàng rào thương mại xanh trong thời gian tới bao gồm: Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ; thực phẩm; dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm.

Một điểm đáng chú ý trong năm qua là EU liên tiếp đưa ra động thái thực thi gói Thỏa thuận Xanh châu Âu. Điển hình là quy định mới về việc thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với một số chất có trong các sản phẩm nông sản, thực phẩm (trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam); Quy định về các sản phẩm không phá rừng (EUDR) yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu vào EU không được nuôi, trồng trên đất phá rừng hoặc làm suy thoái rừng; Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon quy định về việc trả phí phát thải căn cứ vào mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu...

Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh EU đến năm 2050, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030.

Thực tế, không chỉ EU đưa ra quy định ngặt nghèo hơn về giảm phát thải khí nhà kính, Mỹ cũng đã có đề xuất "Đạo luật Cạnh tranh sạch" tương tự và dự kiến áp dụng bắt đầu từ năm 2024 đối với hàng hóa sơ cấp, và từ năm 2026 đối với cả hàng hóa sơ cấp và thành phẩm. Dự kiến, hàng hóa vượt mức phát thải cho phép sẽ phải trả tiền theo giá các-bon là 55 USD (năm 2024), và tăng 5% mỗi năm với điều chỉnh lạm phát. Luật áp dụng với tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trừ các nền kinh tế kém phát triển nhất. Vương Quốc Anh và Canada đang bắt đầu tham vấn giữa các bên liên quan nhằm thảo luận về cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM)... Đó là chưa kể nhiều thị trường truyền thống cũng sẽ nâng dần các quy định kiểm soát xuất nhập khẩu.

Thách thức từ chính nội tại doanh nghiệp

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thách thức đặt ra với xuất khẩu Việt Nam trước hết nằm ở sự thay đổi, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội và các chủ thể liên quan. Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, Thỏa thuận Xanh và các chính sách, biện pháp thực thi Thỏa thuận này không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian. Không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Một Khảo sát nhanh do VCCI thực hiện vào tháng 8/2023 cho thấy, khoảng 90% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận Xanh EU, các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%.

Đi sâu hơn vào các yêu cầu của các chính sách xanh, thách thức với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam nằm ở năng lực tuân thủ các yêu cầu này. Đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) thông thường của EU vốn đã không phải là dễ dàng với nhiều doanh nghiệp, thách thức tất nhiên sẽ còn lớn hơn nhiều với các tiêu chuẩn xanh mới hoặc nâng cấp từ các TBT, SPS hiện tại theo hướng cao hơn, khắt khe và khó khăn hơn.

Tùy từng doanh nghiệp sẽ có những vấn đề phải giải quyết khác nhau. Đó có thể là ở năng lực để chuyển đổi về công nghệ, về kiểm soát chuỗi cung, về kỹ năng của lao động hay về năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin. Đằng sau tất cả các thách thức kỹ thuật này là khả năng chi trả hay đầu tư để chuyển đổi. Với phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ Thỏa thuận Xanh là nhiệm vụ rất khó khăn.

Tuy vậy, đại diện VCCI cũng cho rằng, nếu có sự chuẩn bị từ sớm, việc đáp ứng các yêu cầu xanh trên thực tế vẫn khả thi với phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các chính sách này đều có lộ trình triển khai từng bước, với các yêu cầu khó chỉ phải thực thi đầy đủ sau một khoảng thời gian dài.

Mặt khác, không phải mọi tiêu chuẩn xanh đều yêu cầu chi phí tuân thủ cao mà có thể là yêu cầu thay đổi trong cách thức hành động (ví dụ các yêu cầu về khai báo phát thải, về thông tin đối với sản phẩm...). Đồng thời, một số trường hợp, các tiêu chuẩn xanh EU được pháp luật hóa từ các tiêu chuẩn tự nguyện trước đó mà doanh nghiệp đã thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, do đó có thể không đòi hỏi thay đổi quá lớn với doanh nghiệp.

Với các cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu, việc tuân thủ quy định xanh không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường khó tính, mà còn là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành hàng theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh quốc gia.

Ông Clement Graf - Giám đốc toàn cầu,
Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ

Bản chất của các quy định xuất khẩu xanh mới

screenshot_1701746163.jpeg

Các quy định về xuất khẩu xanh tập trung vào trách nhiệm giải trình của các nhà nhập khẩu/nhà sản xuất ở châu Âu. Họ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong chuỗi giá trị hàng hóa và vì vậy, có liên quan tới các nhà cung cấp ở bên ngoài châu Âu. Nhà nhập khẩu buộc phải nắm rõ và sát sao hơn với nhà cung cấp. Điều này cũng sẽ tăng cường tín nhiệm, gắn kết các bên và xây dựng chuỗi giá trị một cách bền vững hơn.

Do đó, các doanh nghiệp cần hành động với mục tiêu, bước đi rõ ràng cũng như xác định rõ vai trò của các bên, phân chia trách nhiệm rõ ràng; phát triển, xây dựng năng lực của các tác nhân khác nhau trong hệ sinh thái. Việt Nam cần phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại; kết nối mạng lưới xúc tiến thương mại. Điều này rất quan trọng cho xúc tiến xuất khẩu xanh của Việt Nam trong tương lai.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
(Bộ Công Thương)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có lợi thế

2942_ong_vu_ba_phu-_cuc_truong_cuc_xttm.jpg

Xuất khẩu xanh với Việt Nam bao gồm cả cơ hội và thách thức. Đầu tiên, xuất khẩu xanh mang lại lợi nhuận biên cao hơn cho sản phẩm. Những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ các-bon có giá bán cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường.

Bên cạnh đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để tạo ra được sản phẩm xanh. Khi đó, doanh nghiệp một mặt không phải nộp thuế các-bon, sản phẩm lại có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của nước khác chưa đáp ứng tiêu chuẩn này.

Đa phần doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa, nhưng đó không hẳn là hạn chế. Việc chuyển đổi hệ thống quản trị và điều chỉnh hoạt động sẽ tốn ít chi phí và nhanh hơn so với các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia có chuỗi cung ứng dài và rộng khắp thế giới. Các doanh nghiệp mới thành lập có thể định hướng phát triển ngay từ thời điểm ban đầu.

Song song với việc hỗ trợ tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý, đưa ra các quy định, tiêu chuẩn để xác định thế nào là xanh. Quan trọng nhất, doanh nghiệp cần xác định thị trường mục tiêu để chủ động sản xuất kinh doanh, soi chiếu hoạt động của mình, thông qua hiệp hội để đề xuất với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhu cầu hỗ trợ, hoặc qua tư vấn để có chương trình chuyển đổi hiệu quả.

Bà Mira Nagy - Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới
sự tuần hoàn, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)

Việt Nam có thể phát triển nhảy vọt để
trở thành trung tâm sản xuất xanh

z4582751876451_bd90b057cb6fc6035bd9ae50e2a77111.jpg

Nền công nghiệp Việt Nam đang có lợi thế tốt để hưởng lợi từ các yêu cầu về kinh tế tuần hoàn và thẩm tra trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những việc làm ngay đó là giảm chi phí hoạt động, giải quyết tính bất ổn nguồn cung nguyên liệu và giá hàng hóa. Doanh nghiệp cần đảm bảo tính pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh gây tổn hại uy tín; tìm kiếm các thị trường mới. Cần lưu ý, nền kinh tế tuần hoàn cần có sự hợp tác theo chuỗi giá trị và doanh nghiệp phải gắn kết chặt chẽ mối quan hệ với khách hàng, người lao động, cũng như các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng.

Quan trọng hơn, lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin và cải thiện các quy trình quản trị hiện có; sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên vật liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu xanh - Xu thế tất yếu trong cuộc chơi toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO