Kinh tế

Doanh nghiệp chủ động ứng phó căng thẳng thương mại toàn cầu

Hà Duyên 17/02/2025 - 11:24

(TN&MT) - Chuyển hướng mua nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường... đang được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện để chủ động ứng phó trước căng thẳng thương mại toàn cầu.

Chủ động ứng phó

Trước nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại và chính sách thuế quan khó đoán từ Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang ráo riết triển khai các biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, thị trường Mỹ hiện đang chiếm tới 45% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp. Do vậy ngay từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử, đơn vị đã có dự báo và chuẩn bị từ sớm.

"Chúng tôi đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, nếu chính sách về thuế quan của Tổng thống Trump "đánh mạnh" vào Mexico, Canada, chắc chắn hàng xuất của Việt Nam đi Mỹ sẽ bị ảnh hưởng giảm, phải đa dạng hóa thị trường. Phương án 2 là tăng giá và thuyết phục khách hàng chia sẻ để bù đắp chi phí mua nguyên vật liệu từ các thị trường mới có giá cũng như chi phí logistics cao hơn. Mức tăng không đáng kể, nhưng bắt buộc phải tăng", ông Việt nói và cho biết thêm, hiện công ty đã chuyển hướng sang nhập nguyên liệu từ Thái Lan, Parkistan cho các đơn hàng đi Mỹ. Đồng thời, chia phân khúc sản phẩm ra để xác định nguồn nguyên liệu nào cho phù, nguyên liệu nào vào nước nào để không bị áp thuế.

dony.jpg
Doanh nghiệp dệt may chủ động đa dạng hóa thị trường

Tương tự với ngành gỗ, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), thông tin, trên 90% sản phẩm của đơn vị được xuất khẩu vào Mỹ. Kể từ khi ông Trump tái đắc cử đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, đơn hàng trong quí 1/2025 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

"Không chỉ Mifaco, nhiều doanh nghiệp cùng ngành cũng ghi nhận sự tăng trưởng đơn hàng từ thị trường Mỹ nhờ dịch chuyển từ Trung Quốc sang", ông Hiệp cho hay.

Mặc dù chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, và dự kiến mở rộng sang các quốc gia khác, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ, song ông Hiệp cho rằng, để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp cũng đang mở rộng sang các thị trường có FTA với Việt Nam.

Đồng thời, công ty chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh, quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. "Lợi thế nào cũng trở nên vô nghĩa nếu giá thành sản phẩm không cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam để xuất khẩu qua Mỹ", ông nói.

Tăng hợp tác đầu tư

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận việc Mỹ đánh thuế vào một số đối tác lớn như Trung Quốc sẽ gián tiếp giúp hàng Việt Nam được lợi. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tương đồng với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Do đó, khi hàng hóa của Trung Quốc bị đánh thuế cao thì hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn khi xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy vậy, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý về nguy cơ hàng Việt bị áp thuế nếu thâm hụt thương mại giữa 2 nước quá lớn. Theo ông, điều Tổng thống Trump đặc biệt quan tâm là đặt lợi ích của người dân Mỹ trên hết. "Hiện Trung Quốc bị áp thuế thêm 10%, Mexico và Canada đang bị "treo" mức thuế hàng nhập khẩu. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có độ thâm hụt thương mại với Mỹ khá lớn nên cũng có nguy cơ. Nếu bị đánh thuế, hàng Việt khó cạnh tranh với hàng dệt may từ Bangladesh hay Ấn Độ. Vì vậy, giải pháp mềm mại nhất là nên vừa bán hàng vừa hợp tác đầu tư.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng mua một số mặt hàng máy móc, công nghệ… mà Việt Nam cần nhập khẩu. Việc này cũng giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận dây chuyền sản xuất, máy móc, công nghệ hiện đại từ Mỹ.

Đứng ở góc độ ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng, để giải quyết được bài toán về thương mại công bằng mà chính quyền mới của Donald Trump sẽ tập trung chú ý, các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành da giày. Tức là thay vì nhập khẩu từ một số nước có giá trị cao, chúng ta có thể chuyển dần sang nhập khẩu từ Mỹ.

Mặt khác, vị phó chủ tịch Lefaso nhấn mạnh cần kiểm soát xuất khẩu sang Mỹ một cách thực chất. Nhất là cần tránh tình trạng “chuyển tải” sản xuất. Tức là giải quyết tình trạng đưa sản phẩm đã sơ chế hoặc thậm chí sản xuất gần hoàn thiện ở nước ngoài sau đó đưa về Việt Nam với danh nghĩa bán thành phẩm và làm một số công đoạn với giá trị rất thấp như đóng gói, dán nhãn rồi xuất khẩu đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chủ động ứng phó căng thẳng thương mại toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO