Xuất khẩu đá trắng thô: “Được” hay “mất”?

Phạm Tuân - Thành Vinh| 07/04/2023 11:26

Đá hoa trắng là khoáng sản quý của nước ta. Loại khoáng sản quý này chỉ có ở hai tỉnh Yên Bái và Nghệ An. Đây là loài tài nguyên khoáng sản đã và đang được khai thác mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, hàng năm nhiều triệu tấn đá hoa trắng thô đang được xuất bán đi nhiều nước trên thế giới nhưng nguồn lời thu về lại không được cao như kỳ vọng. Điều đó đang gây ra nhiều băn khoăn trong dư luận.

Nguy cơ cạn kiệt, lãng phí nguồn tài nguyên

Nghị quyết 10-NQ/TW được ban hành vào ngày 10/02/2022 nhằm tổng kết, tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp sắp tới về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, quan điểm của Nghị quyết 10-NQ/TW cũng nêu rất rõ như sau: “Tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả”.

Trước đó, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành vào ngày 25/4/2011 cũng nêu quan điểm về chính sách dự trữ và xuất khẩu khoáng sản là hạn chế, tiến tới sớm chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến hoặc chỉ ở dạng sơ chế; không xuất khẩu các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược.

4.jpg
Một khu vực mỏ đá hoa trắng đang được khai thác - Nguồn tài nguyên quý giá tại miền Tây Nghệ An.

Tuy nhiên, tại một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản như Nghệ An lại đang tận dụng nguồn tài nguyên không tái tạo này theo cách mà nhiều người nhìn vào không khỏi băn khoăn, ái ngại.

Nổi bật là tình trạng khai thác đá trắng rồi xuất bán theo kiểu bán “lúa non” đang xảy ra với số lượng lớn, trong khi đó lượng sản phẩm cùng tên qua chế biến dạng tinh bột siêu mịn với công nghệ hiện đại lại đang bị “lép vế” nếu so về sản lượng trong nhiều năm nay.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn Nghệ An có trữ lượng hàng trăm triệu tấn đá hoa trắng, chủ yếu tập trung tại huyện Quỳ Hợp, một ít tại huyện Nghĩa Đàn và Tân Kỳ – cùng với các huyện Lục Yên, Yên Bình, tỉnh Yên Bái, nơi đây lâu nay đã trở thành một trong những “thủ phủ” của loại khoáng sản quý hiếm của Việt Nam.

2.jpg
Đá hộc trắng dạng thô đang chuẩn bị xuất bán ở bãi tập kết tại cảng Cửa Lò.

Tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), đá hoa trắng đã giúp cho hàng chục doanh nghiệp đổi đời, nhiều người trở thành tỷ phú chỉ trong thời gian ngắn sau khi khai thác, tận thu một cách ồ ạt rồi xuất đi các nước như Ấn Độ, Tây Á, Châu Âu… Tuy vậy, do trữ lượng đá hoa trắng ở đây lớn (hàng trăm triệu m3), được khai thác thủ công, công nghệ chế biến lạc hậu nên chủ yếu được bán theo dạng xuất thô chiếm tỷ trọng lớn.

Hệ luỵ của tình trạng khai thác theo công nghệ đào, nổ mìn, xẻ khối nên nguồn tài nguyên đá trắng ở Quỳ Hợp được khai thác một cách vô tội vạ và đang có nguy cơ cạn kiệt, gây nhiều hệ luỵ về môi trường.

Cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này đã rơi vào hoàn cảnh phá sản do bị thương lái nước ngoài ép giá, phá giá… dẫn đến hệ lụy từ việc bán đá hoa trắng theo kiểu “mạnh ai người ấy đào”, chộp giật đã nhãn tiền xảy ra từ nhiều năm nay.

“Được” hay “mất”?

Từ hàng chục năm trước, xu hướng tích trữ nguồn khoáng sản thô đã được các nước trên thế giới áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” các chủng loại nguồn tài nguyên quý hiếm của đất nước ra bên ngoài.

Ở khu vực Châu Á, nền kinh tế lớn như Trung Quốc đã sớm tìm mọi cách ngăn chặn tình trạng xuất khẩu thô khoáng sản ra nước ngoài, thay vào đó, họ tìm mọi cách nhập loại hàng này dưới dạng thô về để “bảo toàn” nguồn nguyên liệu, phục vụ các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan.

Vậy nhưng, ở Việt Nam, tình trạng cho phép xuất khẩu loại khoáng sản thô như đá hoa trắng vẫn còn diễn ra, thậm chí với quy mô ồ ạt với lý do “giải cứu khó khăn cho doanh nghiệp”. Hiện, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đá hoa trắng dạng thô tại huyện Quỳ Hợp vẫn nườm nượp ngược xuôi xuống các cảng Cửa Lò (Nghệ An) và Nghi Sơn (Thanh Hoá) để xuất đi các nước.

1.jpg
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư Nhà máy chế biết đá siêu mìn tại huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, KCN Nam Cấm.

Thống kê của Sở Công thương Nghệ An, trong những năm gần đây, số lượng xuất khẩu đá hoa trắng thô (đá hộc) chiếm tới 76%, còn lại lượng hàng hoá cùng tên được chế biến dưới dạng đá bột siêu mịn lại chỉ chiếm 24% trong tổng sản lượng. Chưa nói tới vấn đề nguồn khoáng sản thô đang bị “chảy máu” nhưng việc duy trì cho phép doanh nghiệp xuất đi loại hàng hoá này đang khiến doanh nghiệp tiên phong đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại để chế biến thành sản phẩm tinh luyện bị chèn ép, khan hàng đầu vào, thậm chí rơi vào cảnh ế ẩm.

Nguyên nhân được xác định ở khâu giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến quá cao nên khách hàng thường lựa chọn mua sản phẩm ở dạng thô để giảm thuế, phí... Căn cứ vào thị trường những năm gần đây, theo tính toán của một doanh nghiệp chế biến sâu đá hoa trắng, nếu giá bán nguyên liệu thô đá hộc xuất khẩu dao động khoảng 16$ - 17$/ tấn, tương đương 370.000 VND/tấn thì giá bán ở dạng chế biến sâu sẽ rơi vào khoảng 152 USD/ tấn.

5.jpg
Hàng năm, nhiều triệu tấn đá trắng dạng thô vẫn được nước ta "bán non"...

Theo số liệu của Cục Hải quan Nghệ An, năm 2022 tỉnh Nghệ An xuất khẩu 8 triệu tấn đá và thu được 128 triệu USD tương đương quy đổi VND là khoảng 2.944 tỷ đồng. Còn khi áp dụng mức giá chế biến sâu theo chuỗi giá trị sản phẩm, hạt Taical (hạt độn nhựa), 8 triệu tấn đá nói trên sẽ thu về ở mức tương đương 2.782 triệu USD, tương đương 63.986 tỷ VND.

Con số này cho thấy, với khối lượng hàng hoá tương đương, nếu chúng ta duy trì xuất thô sẽ gây “thất thu” lên tới 61.042 tỷ VND mỗi năm. Đó là mới chỉ con số về khối lượng đá hoa trắng xuất đi ở địa bàn tỉnh Nghệ An, chưa tính tới số lượng đá hoa trắng ở tỉnh Yên Bái được khai thác, xuất đi.

3.jpg
Trong khi nguồn tài nguyên quý giá này ở Quỳ Hợp và một phần ở Tân Kỳ đang dần cạn kiệt.

Tuy nhiên, thực trạng cho phép xuất bán nguyên liệu thô đá hộc (đá cục) đã khiến nhà nước thiệt hại lớn giá trị gia tăng nguồn thu là con số rất dễ nhận thấy qua số liệu xuất khẩu.

Tình trạng này khiến doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến đá siêu mịn gặp khó khăn và có thể đi đến phá sản. Nguyên nhân các nước đang ưu tiên chọn mua hàng ở dạng nguyên liệu thô vì giá rẻ. Trong khi đó, lời giải doanh thu lại thông qua giá trị gia tăng ở khâu chế biến nên các nước không mua sản phẩm tinh của các doanh nghiệp Việt Nam” - Một doanh nghiệp chế biến đá siêu mịn ở Nghệ An kiến nghị.

Doanh nghiệp này cũng đặt ra câu hỏi là cái "được" và cái "mất" sau câu chuyện này đến đây thì chắc ai cũng đã rõ?

Trong Nghị quyết số 10 -NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu rõ: “Việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp hài hòa với bảo tồn, dự trữ cho tương lai”. Tuy nhiên, tình trạng cho phép xuất khẩu ồ ạt khoáng sản thô, nhất là đá hoa trắng hiện nay ở khu vực Nghệ An đang trở thành mối lo ngại cho nguồn dữ trữ tài nguyên quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu đá trắng thô: “Được” hay “mất”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO