Xã hội

Xuân xanh trên vùng núi... các-xtơ

Trần Hương 09/02/2024 - 19:02

(TN&MT) - Giá buốt đã vợi đi, sương muối thôi trắng đầu cành. Ở đây, núi giăng thành vây lũy, tạo nên một sức vóc thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ. Cả núi rừng phủ đầy một màu xanh tươi mới.

Chuỗi hang động Thẩm Khến, Khó Chua La… hơi ấm xung vào từng bản nhỏ. Những thân chè cổ thụ trên 200 tuổi cũng bật chồi báo hiệu xuân sang, lại một vựa chè bội thu cho người Mông ở Tủa Chùa thêm no ấm. Cả một vùng núi có địa hình karst (các-xtơ) bây giờ được tiếp thêm sức sống. Ấy là nhờ trời đất sang mùa, hương sắc của xuân xanh.

Ở nơi núi đầy trong mắt

Vượt chặng đường dài gần 80km, tính từ TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) lên đến Trung tâm huyện Tủa Chùa. Con đường xuyên đại ngàn hai bên cây cối phủ đầy một màu xanh mê mải, chiếc xe vượt đèo xông lên tựa như một “tay võ sĩ” can trường lao mình về phía trước.

46b.jpg

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa Hoàng Thị Toàn rướn đôi lông mày chỉ tay về phía con đường dẫn đi động Khó Chua La, nói chắc nịch: “Từ đây lên hang động Khó Chua La khoảng 15 cây số, đường dễ đi thôi. Các hang động Răng Pê Ky, Hấu Chua, động Xá Nhè, hang Thẳm Khến... cũng đều nằm quanh huyện cả. Tất cả các hang động đó đều được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà nhiều tổ chức, nghiên cứu địa chất đánh giá là vùng núi có địa hình các-xtơ.” Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của địa hình các-xtơ là sự xuất hiện của hang động, thạch nhũ, măng đá, xoáy nước và chậu nhỏ. Chính những yếu tố này làm cho nguồn nước bị thấm vào các khe, kẽ, khoét mòn đá tạo thành hang động rộng, dài và làm nguồn nước bị thẩm thấu không lưu trữ được lâu.

Nhưng, dẫu là vùng đất có địa hình các-xtơ vốn thiếu nước quanh năm thì đồng bào người Mông ở Tủa Chùa vẫn bám trụ bao đời, sống nhờ vào núi. Họ yêu mảnh đất toàn đá, sống với đá mà dần hình thành nên tập quán gieo trồng đều nhờ vào thời tiết. Trong năm họ cuốc nương làm đất, ra Tết, trời làm mưa thì gieo hạt, sang đến tháng Ba cây đơm bông thụ phấn, tháng Tư khi trời ít mưa thì lúa đã uốn câu. Cũng có năm trong Tết mưa sớm thì đồng bào gieo hạt sớm… Tất thảy nhờ vào thiên nhiên, cứ như vậy, người Mông ở cao nguyên đá Tủa Chùa chạy đua sức người với sự đổi thay của khí hậu. Họ không thấy đó là sự bấp bênh, chìm nổi… mà hiển nhiên đón nhận cuộc sống khốn khó như thể đó chính là bản sắc của dân tộc mình. Họ trần tình trong câu nói rất dễ thương: “Núi không có mình chắc sẽ buồn lắm đấy!” Phạ ơi! Núi mà biết buồn sao? Có lẽ, vì khốn khó mà họ tự chiến thắng bằng lối nghĩ: “Cứ sống trọn đời người Mông mình trên vùng núi các-xtơ.”

Chúng tôi đang đứng gần cánh đồng Mường Báng bà con vừa thu hoạch vụ lúa mùa, ruộng vừa được cày xong, những lát đất nằm nghiêng tựa mình vào nhau đợi nắng lên phơi ải đất. Bước chân ai còn hằn in lên thớ đất mới cày, đó là đôi bàn chân khuyết, tôi cũng có đôi bàn chân khuyết, những người nông dân ở Tủa Chùa cũng có đôi bàn chân khuyết… Bây giờ gió thổi từng chập, hơi ấm từ hang động Khó Chua La xung vào từng bản nhỏ. Triền đồi hoa cải nở vàng, hoa mận, hoa mơ, nụ bung trắng xóa. Khắp cung đường xuống chợ huyện Tủa Chùa, già trẻ, gái trai váy áo sênh sang, vui mừng hớn hở, như thể đời người chưa từng lam lũ. Tôi cảm nhận, mùa Xuân đến rất gần.

46a.jpg

Giàng A Tỉnh - Chủ tịch UBND xã Sín Chải, hóm hỉnh nói vang vang chỉ vào những dãy núi giăng hàng trước mặt: “Cái cán bộ mày nhìn đi, toàn núi là núi. Núi ở trên đầu, núi dắn ngang mắt, núi mọc dưới chân… Núi bố, núi ông cõng núi con, núi cháu suốt cả mấy đời người Mông ở đây. Thế mới có tên gọi cao nguyên đá Tủa Chùa. Đúng không? Ta nói đúng không?! Cánh đồng Mường Báng này là nơi có địa hình bằng phẳng nhất ở Tủa Chùa cũng chỉ có diện tích hơn 100ha. Còn đâu thì toàn là núi.”

Chúng tôi lặng thinh thừa nhận: Nhìn những hàng rào đá bao quanh ngôi nhà của người Mông, ai cũng sẽ có cảm nhận và thán phục sức lao động bền bỉ, siêng năng, chứng minh cho bản tính người Mông cần cù, chịu khó, sống hòa thuận với thiên nhiên, tựa mình vào đá. Đó là sự gắn kết thiêng liêng giữa con người với tự nhiên. Nên ở đây, sáng mở mắt ra núi đầy trong mắt.

Xanh lên… những thân chè di sản

Cũng chính vì địa hình của Tủa Chùa có độ cao trung bình từ 1.000 đến 1.200m so với mực nước biển nên khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm, mùa đông thời tiết âm xuống vài độ, còn có tuyết rơi, nhiệt độ năm trung bình từ 22 - 25oC, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch nhau khá lớn 5 - 6oC. Có thể nói, sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, điều kiện địa hình, thổ nhưỡng đã tạo ra loại chè Shan tuyết có hương vị và chất lượng cao được mệnh danh “Đệ nhất trà Việt”. Những cây chè cổ thụ có tuổi đời từ vài trăm năm đến gần 500 năm như ở Tủa Chùa sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên, đồng bào không dùng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học nào để chăm bón nên sản phẩm chè của bà con siêu sạch.

Hiện nay, Tủa Chùa có hơn 100 cây chè cổ thụ có tuổi đời trung bình từ 200 đến 417 tuổi vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, công nhận năm 2022. Theo lời kể của Hạng A Chu ở thôn Hấu Chua, xã Sín Chải - người đang sở hữu 300 cây chè cổ thụ từ đời cụ, đời ông để lại thì chè cổ thụ có lá to dài, đầu lá như đuôi mắt phượng, răng cưa sâu đều, búp to trắng xám, dày dưới phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng nên người Mông gọi đó là chè Shan tuyết. Chè Shan tuyết có vị đậm, hàm lượng chống ôxy hóa cao gấp nhiều lần so với chè các vùng khác.

“Người già nhất ở Hấu Chua này là mẹ mình, sống thọ hơn trăm tuổi. Thế mà bà kể, khi về đây làm dâu đã thấy trên đồi của ông bà nội mình có rất nhiều thân chè cao lớn bằng cả một vòng tay người Mông. Có những thân chè xù xì xấu xí, “đứng canh” từ bao đời người Mông mình ở đây, có cây phải hơn 400 tuổi, còn những thân cây chè 200 - 300 tuổi ở đây nhiều lắm. Đó là người Kinh về nghiên cứu và nói thế. Còn người Mông mình chỉ biết là từ đời cụ, đời ông, đời bố mình đã có cây chè to lớn đứng ở đây rồi...” - A Chu kể.

Sáng đã lâu vậy mà Sín Chải vẫn mơ màng trong làn sương trắng đục, những thân chè cổ thụ cao to vươn cành nảy lộc. A Chu vẫn mải mê nói về cây chè cổ thụ: “Mỗi cây cho thu hoạch từ 16 - 17kg búp tươi, thu hái được khoảng 4 - 5 lần như thế. Mỗi cân chè khô mình bán khoảng 600 nghìn đồng, nếu loại ngon đặc biệt phải hơn 2 triệu đồng một cân. Năm nay tiền bán chè mình được gần 200 triệu đồng, trong các vụ hái chè thì ngon nhất là chè hái về mùa xuân, lúc sương chưa tan… Cái khó nhất của người Mông mình bây giờ là không có thang leo lên để hái chè, nhiều gia đình đã chọn cách chặt cành. Làm như thế thì thương cây chè và tiếc lắm.”

Trưởng phòng NN&PTNT Nguyễn Văn Đạt, kể: “Tủa Chùa ngoài những thân chè cổ thụ thì có khoảng 595ha chè Shan tuyết, được trồng chủ yếu tại 4 xã Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Tả Phìn và Sính Phình. Năm nay, sản lượng chè búp tươi của huyện đạt khoảng 150 tấn. Đây cũng là cây chủ lực giảm nghèo của địa phương. Hiện, Tủa Chùa đang tập trung xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; mở rộng liên doanh, liên kết với các công ty xây dựng thương hiệu, chế biến và bao tiêu sản phẩm và đã có 3 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao, gồm Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa và Trà xanh Shan tuyết Sính Phình.”

Đứng dưới gốc cây chè trăm tuổi, tôi vòng tay ôm không xuể, xoay người nhìn tứ phía, cả một vùng chỉ có chè. Chúng tôi cảm nhận ấm no là đây, tết nhất cũng là đây. Và mỗi độ xuân về, đồng bào Mông ở cao nguyên đá Tủa Chùa lại tất bật hái chè, sao chè… cho đến tận hết tháng Ba.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân xanh trên vùng núi... các-xtơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO