Xử phạt vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước: Sơn La đề xuất tháo gỡ một số vướng mắc
(TN&MT) Sau 4 năm thực hiện Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 và Nghị định 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Sơn La, đã góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu các vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Tại huyện Thuận Châu, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Thắng, thời gian qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phòng TN&MT phối hợp với các phòng, ban chuyên môn; Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện; UBND các xã, thị trấn mở các lớp tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật về 2 Nghị định.
Chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước. Qua đó, đã triển khai 8 cuộc thanh, kiểm tra về tài nguyên nước; phát hiện, xử lý 1 trường hợp vi phạm.
Còn tại huyện vùng biên Sông Mã, để triển khai thực hiện có hiệu quả 2 Nghị định, UBND huyện đã giao cơ quan chuyên môn phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức các xã, thị trấn. Tại các xã, thị trấn đã tổ chức 10 cuộc tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp, hội nghị giao ban hàng tháng cho hơn 1.416 lượt người tham dự.
Đồng thời, ban hành 6 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đơn vị, các xã, thị trấn trong việc thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước, Nghị định của Chính phủ theo thẩm quyền quy định. Triển khai 11 cuộc kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính với 6 đối tượng.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 12 Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung triển khai 2 Nghị định trên; cùng nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 4 Kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó có triển khai các nội dung của 2 Nghị định cho 650 lượt đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại UBND các huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn.
Thông qua việc phổ biến, tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được nâng cao; bước đầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên nước; từng bước giảm số vụ việc, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật tài nguyên nước, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trong công tác thanh, kiểm tra, các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh đã tổ chức 87 cuộc thanh, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước với 88 đối tượng. Qua đó, phát hiện 49 hành vi vi phạm, tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,5 tỷ đồng. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục gồm trám lấp giếng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Kiến nghị sửa đổi một số quy định
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Sơn La còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xử phạt vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 36, quy định về hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép mà không có hành vi vượt quá công suất. Như vậy, nếu áp dụng theo lưu lượng trong giấy phép thì không phù hợp với quy định tại Điều 9 và không cùng thứ nguyên (m3/s và m3/ngày đêm). Nếu áp dụng theo công suất lắp máy thì không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 10.
Mặt khác, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La đều phát điện theo giờ cao điểm/thấp điểm và mỗi thời điểm phát với công suất khác nhau nên việc tính toán công suất vận hành vượt quy định là rất phức tạp.
Đồng thời, việc xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) với hành vi vận hành vượt lưu lượng/công suất tại giấy phép sẽ phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 9”.
Song, tại 2 Nghị định, chỉ đưa ra công thức tính số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước mà không hướng dẫn chi tiết chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng tài nguyên nước gồm những chi phí nào, dẫn đến khó khăn trong quá trình tính toán số lợi bất hợp pháp khi xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 69 Nghị định 36 quy định, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính ở cấp cơ sở là Chủ tịch UBND xã. Trong khi, nhiều vụ việc, biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại hiện trường, Chủ tịch UBND xã (người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính) không trực tiếp tham gia được, gây khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm.
Thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an còn ít, các hành vi xử phạt vi phạm cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các cơ quan chuyên môn, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo thời hạn xử lý.
Để triển khai thực hiện khi Nghị định sửa đổi, bổ sung ban hành đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích phát điện, quy định đối với công suất lắp máy để đảm bảo đủ cơ sở xử lý vi phạm với trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích phát điện vượt quá công suất máy lắp.
Điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước cho công chức cấp xã đang thi hành công vụ. Tăng thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an để đảm bảo phù hợp với tổ chức bộ máy của Công an 4 cấp hiện nay.
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 10, quy định về buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước vượt quá công suất.