Liên quan đến vụ việc “Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế sai phạm khi xả thải ra môi trường” mà Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đang phản ánh, tối 21/11, thông tin với PV, ông Lê Bá Phúc- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan chức năng vừa tiến hành xử phạt hành chính Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (Chi nhánh công ty cổ phần Fococev Việt Nam, đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền).
Quyết định xử phạt do ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành.
Nước thải từ Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế xả thải ra môi trường |
Theo đó, xử phạt Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế 40 triệu đồng do thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Cụ thể chưa lót bạc chống thấm cho hố lắng cát, 2 hồ sinh học, chưa đấu nối nước thải sinh hoạt tại khu vực văn phòng về hệ thống xử lý nước thải để xử lý, quy định tại điểm B, khoản 3, điều 10 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Xử phạt nhà máy số tiền 434 triệu đồng do các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200m2/ngày đến dưới 400m2/ngày, quy định tại điểm i, Khoản 5 Điều 13 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Phạt tăng thêm 10% đối với thông số môi trường Coliform vượt quy chuẩn kỹ thuật 1,2 lần và phạt tăng thêm 30% đối với thông số môi trường COD vượt quy chuẩn kỹ thuật 2,03 lần. Tổng mức phạt tăng thêm là 40% của mức phạt tiền quy định tại Khoản 7 Điều 13 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Cũng theo quyết định, cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của Chi nhánh 3 tháng. Buộc Chi nhánh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Buộc Chi nhanh phải chi trả số kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích 1 mẫu nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật là 3.456.618 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế phải nộp phạt là 477.456.618 triệu đồng. Nếu quá thời hạn mà Chi nhánh không tự nguyện chấp hành (10 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt) thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật...
Quyết định xử phạt của Tổng cục Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Vào tháng 9 vừa qua, người dân ở các xã Phong An, Phong Hiền (huyện Phong Điền) phản ánh đến các cơ quan chức năng về việc Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế xả thải ra môi trường. Ngay sau đó, Phòng TN&MT huyện Phong Điền phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND xã Phong Hiền tiến hành kiểm tra thực địa; lấy mẫu nước thải để quan trắc.
Tại thời điểm kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện, nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế sau khi qua 2 hầm biogas được đưa qua 2 hồ sinh học và chảy thẳng ra môi trường theo mương dẫn mà không qua hệ thống xử lý hóa lý mà nhà máy xây dựng. Tình trạng ô nhiễm do nước thải của nhà máy xả ra khiến cá tự nhiên ở bàu Nhạn thôn La Vần (xã Phong Hiền) bị chết và bốc mùi.
Ngay khi nhận được thông tin thì đến giữa tháng 9, Sở TN&MT Thừa Thiên Huế đã phối hợp nhiều cơ quan ban ngành tiến hành làm việc, khảo sát, lấy mẫu để đánh giá chất lượng nguồn thải.
Cá chết gây ô nhiễm và nước thải đen đặc do nhà máy xả thải |
Sau khi có kết quả phân tích mẫu nước thải, nước mặt, Sở TN&MT đã tổng hợp và có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan chức năng liên quan. Cùng thời điểm, nhà máy này đang trong thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra theo Quyết định 1076/QĐ-TCMT và sau khi căn cứ kết quả xác minh và tài liệu có trong hồ sơ, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) đã ban hành quyết định xử lý vi phạm theo quy định như kể trên.
Được biết, vào năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quyết định xử phạt hành chính với mức 260 triệu đồng đối với Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế do vi phạm liên quan đến quản lý và gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, nhà máy này đã không thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định, không xây lắp công trình xử lý môi trường (hầm chôn lấp chất thải rắn: vỏ lụa sắn lẫn đất, cát); xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.