Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, chiều nay (14/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.
Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trên hầu hết các tiêu chí cơ bản. So với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020. Ảnh: Quốc Khánh |
Về khiếu nại so với năm 2019 giảm 5,8% số đơn, 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%).
Về tố cáo so với năm 2019 tăng 20,8% số đơn, giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số (64,8%).
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Báo cáo chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây, đồng thời cũng chưa chỉ ra được những nguyên nhân của số lượng đơn thư, vụ việc cũng như số lượt người đến khiếu nại, tố cáo giảm trong năm 2020...
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND năm 2020, Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người, gay gắt, kéo dài, qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020. Ảnh: Quốc Khánh |
Trong 10 tháng đầu năm 2020, các Tòa án đã nhận được 19.722 đơn thư các loại. Qua phân loại, số đơn mới thụ lý có 6.222 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 4.044 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán; 34 đơn tố cáo đối với cán bộ Tòa án.
Nhìn chung, công tác giải quyết đơn tố cáo đối với cán bộ, công chức Toà án được thực hiện nghiêm túc, không để tồn đọng, kéo dài, các trường hợp có sai phạm đều được xử lý nghiêm.
Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp
Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các bộ, ngành, địa phương và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo năm 2020 thuộc thẩm quyền giảm so với các năm trước, nhưng các cơ quan hành chính chỉ giải quyết được 83,5% vụ việc, chưa đạt mức chỉ tiêu phấn đấu, giải quyết kịp thời, có hiệu quả trên 85% các vụ việc và thấp hơn so với các năm 2017, 2018 và 2019.
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 14/9. Ảnh: Quốc Khánh |
Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 có 27,8% quyết định giải quyết lần một phải sửa hoặc hủy. Kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 12,9% tố cáo tiếp là đúng và 25,7% tố cáo tiếp có đúng, có sai. Đây là tồn tại kéo dài đã nhiều năm, gây bức xúc cho người dân và là một trong các nguyên nhân dẫn đến gia tăng đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua vẫn còn hiện tượng khá phổ biến là đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đi khắp nơi. Do đó, đề nghị cần có giải pháp để xử lý dứt điểm vấn đề này. Nhìn từ thực tế ở một số địa phương, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị, các cơ quan làm rõ các giải pháp để xử lý, ngăn chặn đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng, bởi đây cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi lòng vòng.