Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Ảnh minh họa |
Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng còn những hạn chế. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, Bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
Nhìn lại những vụ án tham nhũng thời gian qua, nếu chúng ta vẽ một sơ đồ đường đi sẽ thấy không thiếu cấp nào, từ chính quyền cấp phường, xã, quận huyện, tỉnh thành đến cấp Trung ương. Đã có những chiếc cặp xinh xinh nhưng có giá trị cả trăm ngàn đô la, những chiếc ô tô đắt tiền được cho “mượn” vô thời hạn, không thể giải thích minh bạch được sau mỗi vụ việc. Và cả ngàn lời giải thích, biện minh sau đó cũng không thể làm vơi nỗi hoài nghi của dư luận đằng sau những khoản quà tặng “nho nhỏ” ấy.
Thực ra điều này không mới. Trong những báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ… cũng đã chỉ ra rằng, trong công tác phòng chống tham nhũng, hiệu lực và hiệu quả của các cấp chính quyền dường như chưa làm người dân an lòng. Tham nhũng đang xâm lấn trên nhiều lĩnh vực. Thậm chí cả các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, có những lúc cũng bị tấn công. Nó là vấn nạn gặm nhấm niềm tin của cử tri cả nước. Trong khi đó, việc xử lý nhiều khi né tránh, nể nang.
Như thế, cuộc chiến chống tham nhũng còn dài lâu và đòi hỏi sự đồng lòng trong nhận thức và hành động của tất thảy các cấp, các ngành.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu của tham nhũng là sự thiếu gương mẫu, tha hóa của cán bộ có chức, có quyền. Biết là thế, nhưng bấy lâu thông tin về các vụ việc tham nhũng chủ yếu vẫn là từ dân và báo chí, còn từ cơ quan chính quyền các cấp, các Bộ, ngành, từ người đứng đầu cơ quan đó rất ít. Điều đó không khó thấy. Và hiển nhiên ai cũng biết, quan tham là do lợi dụng quyền lực.
Để loại bỏ vấn nạn đó, tất cả phải bắt đầu từ thực tế cơ sở, từ trách nhiệm của mỗi “tư lệnh ngành” mỗi “tư lệnh ở địa phương” trong cuộc chiến dài lâu và đầy cam go này. Xin hãy lắng nghe những phản hồi từ phía người dân, để từ đó thấu tỏ lòng dân!