Xây dựng Trung tâm Phát triển quỹ đất: Chậm và vướng!

02/08/2016 00:00

(TN&MT) - Theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 43, các tỉnh, thành xây dựng Trung tâm Phát triển quỹ đất (một cấp - trực thuộc Sở TN&MT) để tập trung khai thác quỹ đất theo kế hoạch chung của địa phương, giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch. Song, đến nay, mới có 19/63 tỉnh, thành hoàn thành công việc này.

Đến nay, mới có 19/63 tỉnh thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất. Ảnh: MH
Đến nay, mới có 19/63 tỉnh thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất. Ảnh: MH

Thực tế, ở các địa phương đã thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp đã cho thấy hiệu quả rõ nét.  Cụ thể, các Trung tâm Quản lý và Khai thác quỹ đất đã trở thành một đơn vị độc lập, hoạt động có hiệu quả trong việc sử lý đất đai phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cũng chính cơ quan này sẽ tạo lập, phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; phát triển các khu tái định cư; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng, quỹ đất đã nhận chuyển nhượng, quỹ đất đã tạo lập; quỹ nhà đất đã xây dựng phục vụ tái định cư và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai.

Đặc biệt, trước áp lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, đất đai ngày càng  được Nhà nước và chính quyền địa phương coi như một công cụ phát triển phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa trên cả nước. Do đó, các Trung tâm có chức năng nhiệm vụ quan trọng hơn trong việc làm thế nào để tạo nguồn quỹ đất cho các dự án quy mô lớn? Sử dụng quỹ đất thế nào cho hiệu quả đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng và quy hoạch đô thị?...

Tuy vậy, theo thống kê mới đây của Tổng cục Quản lý đất đai, đến nay, có 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập, kiện toàn Trung tâm phát triển quỹ đất một cấp là: Hà Nội, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Nam, Hậu Giang, Kiên Giang, Lai Châu, Bình Định, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Tây Ninh, An Giang, Lào Cai, Sơn La, Bình Dương, Đà Nẵng, Long An và Trà Vinh.

Nguyên nhân của các địa phương chậm thành lập Trung tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là do một số địa phương còn chưa thực sự coi trọng vai trò và còn lúng túng trong việc xử lý cơ chế tài chính cho sự duy trì hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất. Bởi theo theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, Trung tâm Phát triển quỹ đất phải  thực hiện cơ chế tài chính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Song, việc không được trích lại % trong các hoat động đấu giá quyền sử dụng đất và các hoạt động liên quan khác đang đẩy các Trung tâm này vào “thế bí”, khó duy trì hoạt động và thiếu hụt nguồn tài chính.  Đơn cử như tỉnh Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang Võ Đình Quế cho rằng, ngày 23/6/2010, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 1385/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị gồm Ban Bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng và Trung tâm Quản lý, Khai thác và Phát triển quỹ đất. Nhiệm vụ chính của Trung tâm Phát triển quỹ đất là bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng các dự án và phát triển quỹ đất theo cơ chế tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.

Từ năm 2010 đến tháng 8/2015, nguồn thu từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất thông qua công tác khai thác quỹ đất của các dự án được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện được gần 200 tỷ đồng và phải nộp 100% vào ngân sách, Trung tâm không được trích tỷ lệ %.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nguồn thu chính của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, thị xã, thành phố duy nhất là nguồn được trích theo tỷ lệ % từ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, không đủ để chi trả lương, các khoản phải đóng góp theo lương cho cán bộ, nhân viên. Căn cứ vào tình hình thu thực tế, năm 2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố sẽ thu được hơn 8,8 tỷ đồng, trong khi đó, phần chi lên tới trên 17,5 tỷ đồng. Để có tiền chi trả lương và các các khoản phải đóng góp theo lương, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, thị xã, thành phố đã phải ứng trên 8,7 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên và khoản nợ ngân sách này hiện nay các Trung tâm không có khả năng chi trả, vì vậy, cần phải thay đổi cơ chế hoạt động để duy trì Trung tâm này.

Như vậy, có thể thấy, nếu cứ tiếp tục áp dụng cơ chế tài chính cứng nhắc như trong thời gian qua, rất khó để đảm bảo hoạt động của các Trung tâm nếu các cơ quan có thẩm quyền của các tỉnh không xem xét cho Trung tâm Phát triển quỹ đất cơ chế tự chủ một phần gồm điện, nước, công tác phí, văn phòng phẩm… còn lương và các khoản phải đóng góp theo lương được chi từ nguồn ngân sách.

Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, thời gian tới, Tổng cục sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác kiện toàn tổ chức Phát triển quỹ đất một cấp theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ.

Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Trung tâm Phát triển quỹ đất: Chậm và vướng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO