Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin về hệ thống quy định hiện hành cũng như kinh nghiệm quản lý các chất fluorocarbon giữa Việt Nam và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Úc, Singapore và Malaysia, phục vụ cho quá trình nghiên cứu, hình thành các quy định về quản lý khí fluorocarbon tại Việt Nam.
Ban chủ Tọa hội thảo |
Thực thi Luật Bảo vệ môi trường
Thực hiện yêu cầu của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ô-dôn như: CFC, Halon, CTC; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu Methyl Bromide và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC. Các môi chất này được sử dụng chính trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.
Nhằm tiếp tục kiểm soát và loại trừ các chất HFC có xu hướng làm gia tăng nhiệt độ Trái đất cuối thế kỷ này, các nước đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Theo lộ trình, các nước đang phát triển, trong đó, có Việt Nam, sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024, ở mức cơ sở và loại trừ dần các chất HFC, đến năm 2045, lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở.
Ngày 4/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo |
TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Trong những năm gần đây, nhu cầu về các thiết bị làm mát, dây chuyền làm lạnh tăng nhanh đã dẫn đến việc tiêu thụ các chất HFC ngày càng tăng. Việt Nam đã phê chuẩn thông qua bản Sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal và cần triển khai các hoạt động chuẩn bị để bắt đầu loại bỏ dần khí Fluorocarbon từ năm 2024. Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát việc tiêu thụ này còn gặp nhiều khó khăn do hiểu biết liên quan tới các quy định hiện hành và kinh nghiệm của Việt Nam còn chưa đủ.
Điều 92 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định trách nhiệm và yêu cầu chính đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan đầu mối, đồng thời, nêu rõ các Bộ ngành liên quan cần có các hành động cụ thể để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và giảm dần khí HFC.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật trong Quý 3/2021. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Bộ và Chính phủ xây dựng Nghị định của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu đang triển khai các hoạt động xây dựng văn bản này, trong đó, các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn có liên quan trực tiếp đến các khí fluorocarbon.
Cần có các quy định về quản lý các chất F-gas theo vòng đời trong các lĩnh vực như sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh... |
Việt Nam đã tham gia Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng và đến nay, các chuyên gia JICA đang hỗ trợ phía Việt Nam xây dựng các quy chế cụ thể để kiểm soát việc sử dụng và phát thải khí Fuorocarbon.
Theo ông Murooka Naomichi, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, trong bối cảnh các quốc gia đều đang nỗ lực thực hiện cam kết toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và kiểm soát chặt chẽ phát thải khí nhà kính, chúng ta cần phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để loại trừ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn theo nghị định thư Montreal. Chúng tôi hy vọng, kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc áp dụng các công nghệ thu hồi và tái sử dụng, tiêu hủy khí Fluorocarbon sẽ giúp ích cho các công ty Việt Nam khi Chính phủ triển khai các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn.
Quản lý, thu hồi các chất F-gas theo vòng đời
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Nhật Bản, Australia, Singapore và Malaysia đã chia sẻ với đối tác Việt Nam về những thách thức và nỗ lực trong việc quản lý khí F-gas. Các diễn giả nhất trí rằng các nước châu Á cần chung tay thực hiện các hành động giảm dần khí Hydrofluorocarbons (HFC) - một loại khí Fluorocarbon phổ biến - để đáp ứng các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Kigali sửa đổi và đóng góp vào Thỏa thuận Paris.
Một giải pháp quản lý phổ biến hiện nay là xây dựng các quy định về cấp phép nhập khẩu, sử dụng HFC nghiêm ngặt, như Australia hay Singapore đang áp dụng. Giấy phép nhập khẩu HFC của Australia có hạn 2 năm và hạn ngạch cụ thể. Nếu vượt hạn ngạch có thể xuất khẩu để bù đắp. Tại Singapore đã triển khai các biện pháp kiểm soát cấp phép đối với 18 loại HFC từ đầu năm 2019. Hiện, Chính phủ Singapore cũng đang đánh giá mức độ sẵn sàng của các ngành trong loại bỏ dần HFC trong nước để phê chuẩn bản sửa đổi bổ sung Kigali trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Môi trướng Nhật Bản, bà Osawa Yurie chia sẻ, Nhật Bản từ lâu đã xây dựng chương trình hành động và quản lý floruacacbon, đồng thời, có quy định về các sản phẩm chỉ định chứa HFCs nhằm thúc đẩy các pháp thay thế bằng các chất ít gây hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, trách nhiệm của các bên liên quan cũng được quy định cụ thể, bao gồm: nhà sản xuấ khí floruacacbon, nhà máy sản xuất sản phẩm chỉ định, người dùng các thiết bị làm lạnh và điều hòa thương mại, các đơn vị đăng ký hoạt động nạp và thu hồi khí, các đơn vị được cấp phép tái chế/tiêu hủy khí, nhà thầu phá dỡ công trình và đơn vị thu gom thiết bị.
Nhiều diễn giả quốc tế tham gia hội thảo bằng hình thức trực tuyến |
Ông Shaofeng, Điều phối viên cấp cao OzoneAction khu vực châu Á - Thái Bình Dương chương trình Môi trường Liên hợp Quốc cho rằng, việc quản lý floruacacbon cần được hướng dẫn bởi một kế hoạch quốc gia liên kết với mục tiêu phát triển bền vững. Phạm vi quản lý được mở rộng với sự tham gia của nhiều bên liên quan cấp quốc gia hơn. Quản lý vòng đời của ODS ở các nước đang phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Floruacacbon...
Theo ông Makoto Kato, đại diện JICA, Việt Nam cần cung cấp một khung hành động tăng cường kiểm soát Floruacacbon thông qua phương pháp tiếp cận quản lý vòng đời. Để làm được điều này, cần phát triển và xây dựng chi tiết hơn nữa việc kiểm kê khí Floruacacbon, xây dựng hệ thống đăng ký giám sát (gồm giấy phép và hạn ngạch), xem xét việc thu phí quản lý vòng đời và xử lý tiêu hủy khí Floruacacbon; phát triển và tăng cường hệ thống cho các nhà cung cấp dịch vụ…
Trong thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu và các bên liên quan sẽ cùng nghiên cứu kinh nghiệm các nước, những đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để từ đó, đề xuất những chính sách, biện pháp quản lý cụ thể, có tính khả thi cao, đặc biệt trong vấn đề về quản lý, thu hồi các chất F-gas theo vòng đời.