Xây dựng nông thôn mới nâng cao góp phần giảm nghèo bền vững
Với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM nâng cao, đến nay nhân dân xã Thăng Long đã có nhiều hướng đi phát triển kinh tế bền vững, đa dạng, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo xã thuần nông. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Mạch Văn Thự, Chủ tịch UBND xã Thăng Long, huyện Nông Cống xung quanh những chỉ đạo, điều hành để đạt mục tiêu đề ra.
PV: Thưa ông, được biết chương trình xây dựng NTM nâng cao đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo tại xã Thăng Long, vậy trong quá trình triển khai, địa phương đã gặp phải những vướng mắc, khó khăn gì?
Ông Mạch Văn Thự:
Xã Thăng Long về đích NTM năm 2016, đến nay một số tiêu chí đã xuống cấp không đạt yêu cầu theo quy định trong xây dựng NTM nâng cao, thêm vào đó Thăng Long là xã thuần nông, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh chưa cao, khó tiêu thụ, ngành nghề manh mún, nhỏ lẻ; kinh tế trong dân còn khó khăn, nên việc huy động sức dân hạn chế.
Hệ thống đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hạ tầng thương mại nông thôn, nhà văn hóa các thôn, trường học … đã được xây dựng từ nhiều năm trước nên để đáp ứng tiêu chuẩn quy định các tiêu chí NTM nâng cao cần phải được nâng cấp, cải tạo. Nguồn lực cần để đầu tư xây dựng Nông thôn mới nâng cao rất lớn, dàn trải trên nhiều lĩnh vực; ngân sách xã và sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên hạn hẹp, huy động vốn từ cộng đồng dân cư khó khăn; một lực lượng lớn lao động trẻ, khỏe có trình độ tay nghề đi làm ăn xa, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động có chất lượng.
Đặc biệt, địa bàn xã đang gặp phải tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi, do các xe chở đất phục vụ Cao tốc từ mỏ đất của Công ty TNHH Định An chạy trên tuyến đường tuyến tỉnh lộ 505B đoạn qua thôn Vạn Thành gây hư hỏng, người dân đã nhiều lần có ý kiến.
PV: Để hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, phát triển kinh tế địa phương, xã Thăng Long đến nay đã triển khai những chủ trương, chính sách của Nhà nước như thế nào?
Ông Mạch Văn Thụ
Hàng năm Đảng bộ xã Thăng Long đã ban hành nghị quyết thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế, trên cơ sở đó chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, duy trì, mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thu hút vốn đầu tư, tạo việc làm; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, vận động thành lập doanh nghiệp, đến nay xã đã có 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động có hiệu quả.
Trong lĩnh vực trồng trọt, xã Thăng Long đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng tích cực, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, xã đã xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung được hơn 60 ha diện tích đất ruộng manh mún, nhỏ lẻ sang đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hàng hóa, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như: hình thành các chuỗi cung ứng lúa gạo, chuỗi rau an toàn, các mô hình trồng cây ăn quả... Lĩnh vực chăn nuôi cũng được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, do đó xã cũng triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân đưa trang trại chăn nuôi ra đồng vì vừa có quỹ đất để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm bụi do vận chuyển đất, xã đã tổ chức đối thoại với người dân, làm việc với phía doanh nghiệp, yêu cầu có cam kết bằng văn bản thực hiện sửa chữa đường giao thông, các xe chở đất phải vận chuyển đúng tải trọng, đúng tốc độ, không để đất rơi vương vãi, thực hiện tưới nước giảm bụi thường xuyên.
PV: Quá trình triển khai xây dựng NTM nâng cao đã tác động tích cực như thế nào đối với đời sống kinh tế nhân dân xã Thăng Long, thưa ông ?
Ông Mạch Văn Thự
Hàng năm UBND xã luôn xây dựng và chỉ đạo quyết liệt kế hoạch giảm nghèo, với sự vào cuộc sâu rộng của cả hệ thống chính trị và nhiều chương trình như: Hỗ trợ con giống niềm tin của hội Phụ nữ, vận động xây dựng nhà tình nghĩa; vay vốn ưu đãi; với sự quan tâm chỉ đạo, sự quyết tâm xóa nghèo của các hộ dân. Tính đến năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 3,9%.
Thu nhập của các trang trại, gia trại đạt từ 100 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm; tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản trong năm 2022 đạt hơn 209 tỷ đồng.
Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp Thăng Long đang hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt 6 khâu dịch vụ đáp ứng kịp thời cho các hộ thành viên trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời góp phần tích cực tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn dân cư, giảm nghèo, giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của xã viên và người lao động. HTX có mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa nếp hương diện tích 120ha với công ty dịch vụ thương mại Cúc Phương, Ninh Bình giá trị gần 4,5 tỷ đồng/năm; Xây dựng vùng RAT tập trung chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP 6,0ha và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với cây lúa nếp hương, khoai tây, ớt...
Riêng hoạt động sản xuất miến gạo đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng/năm... Đến hết tháng 1-2023, toàn xã có 2 HTX; 24 doanh nghiệp và 1.009 hộ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Giá trị sản xuất ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ của xã đạt 451,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thời gian qua, thực hiện kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, các thôn đã chủ động trong việc xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa tại các thôn Mỹ Quang, Ngọc Chẩm; xây dựng các tiêu chí thôn kiểu mẫu tại các thôn Tân Giao, Ân Phú; đổ bê tông, mở rộng đường làng, ngõ xóm, khuôn viên vườn hộ, tường rào, cây xanh ở các thôn Tân Đại, Thập Lý, Ốc Thôn, Ngọc Chẩm...
Đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Thăng Long đạt 58 triệu đồng/người. Có thể nói, quá trình xây dựng NTM nâng cao đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo.
PV: Xin cảm ơn ông !