Xây dựng kịch bản ứng phó với hai đầu cực đoan

Tuyết Chinh (thực hiện)| 16/07/2020 10:37

(TN&MT) - Từ nay đến cuối năm, khu vực miền núi phía Bắc được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra các hình thái thiên tai cực đoan. Do vậy, Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai xác định, đây là một trong những vùng trọng điểm phòng chống thiên tai.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Bộ trưởng, cụ thể hóa những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phòng chống thiên tai ngày 15/5/2020 vừa qua, sau Hội nghị phòng chống thiên tai phía Nam, Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT tiếp tục triển khai ở khu vực miền núi phía Bắc. Lý do triển khai ở thời điểm này là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:

Chúng ta thấy rằng, biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất cực đoan đến các dạng hình khí tượng thuỷ văn làm cho thiên tai xảy ra từ đầu năm đến nay diễn ra với mức độ rất khốc liệt ở khu vực miền núi phía Bắc. Dự báo từ nay đến cuối năm 2020, thiên tai còn diễn ra khắc nghiệt hơn. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Hội nghị Phòng chống thiên tai ngày 15/5/2020 triển khai các biện pháp để tập trung ứng phó với thiên tai năm 2020.

Miền núi phía Bắc có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là về vấn đề môi trường. Khu vực này có hơn 10 triệu dân, đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, là vùng an ninh nguồn nước cho đất nước, là lưu vực cho toàn bộ các sông lớn, trong đó, có lưu vực sông Hồng. Đây cũng là nơi đảm bảo an ninh năng lượng chủ yếu với các hệ thống thủy điện lớn chủ yếu nằm tại đây. Chính vì thế, vấn đề an ninh trên các khía cạnh môi trường, thiên tai, năng lượng… rất quan trọng.

Từ đầu năm đến nay, trong khu vực đã diễn ra gần 100 dạng hình thái thiên tai, gấp đôi hàng năm. Điều đó cho thấy thiên tai diễn biến hết sức khốc liệt. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia từ nay đến cuối năm tiếp tục có những hình thái cực đoan ở khu vực này. Cùng với hạn diễn ra tháng 6,7, tới đây nhận định mưa lũ vào tháng 9 sẽ diễn ra phức tạp với dự báo lượng mưa trung bình rất lớn. Cùng với đó, Viện Địa lý toàn cầu cũng dự báo vùng này có khả năng xảy ra động đất rất lớn trong thời gian tới.

Trước tình hình dự báo trước thiên tai như vậy, Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT đã triển khai ngay công tác phòng chống thiên tai sau Hội nghị ngày 15/5/2020 và khu vực miền núi phía Bắc được xác định là một trong những vùng trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai. Điều đó đặt ra các vấn đề về tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng, nhận thức toàn dân, cả hệ thống chính trị phải chuẩn bị tinh thần vào cuộc một cách quyết liệt để chủ động ứng phó với các tình hinh diễn biến thiên tai có thể xảy ra từ nay đến cuối năm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

PV: Bộ trưởng nhận định như thế nào về những thách thức đặt ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các giải pháp mà Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT tập trung triển khai?

Chúng ta có thể nhận dạng được những thách thức rất lớn đặt ra đối với khu vực miền núi phía Bắc. Trước hết, dạng hình thiên tai về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét là dạng hình thiên tai thường xuyên xảy ra mấy năm gần đây. Chính dạng hình thiên tai này đã gây tỷ lệ tử vong cao nhất trong những năm gần đây trong khi đó lại là dạng hình thiên tai điển hình của khu vực do đặc trưng về kiểu địa hình dễ hình thành nên sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Một nguy cơ rất cao phải kể đến do đây là vùng có các hồ thuỷ điện lớn, hồ thuỷ lợi lớn, tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro nếu công tác phòng chống, ứng phó không chủ động ngay từ đầu thông qua hình thức liên hồ chứa, vận hành một quy trình hợp lý, hài hoà.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải lường trước vấn đề, mặc dù hiện nay đang thời tiết nóng, hạn, nhưng Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã dự báo, những tháng cuối năm ở khu vực này đi đôi với mưa, lũ lớn sẽ xuất hiện các hình thái cực đoan khác ở khu vực này như mùa đông lạnh.

Do vậy, có thể nói các tỉnh miền núi phía Bắc là vùng điển hình mà lúc nào cũng phải chuẩn bị trước kịch bản ứng phó với hai đầu cực đoan: “nóng nhất – lạnh nhất, hạn nhất – lũ nhất”. Muốn làm được điều này, biện pháp quan trọng nhất quyết định là chủ động tăng cường năng lực trong dự báo, ứng phó, phục hồi, tái sản xuất theo phương châm “bốn tại chỗ” ở cơ sở, chính quyền cơ sở và nhân dân cơ sở.

Một điểm sạt lở trên địa bàn xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

PV: Về mặt cơ chế chính sách và triển khai Luật Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng có khuyến nghị gì đối với khu vực này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:

Rõ ràng, trước tác động biến đổi khí hậu với những hình thái cực đoan xảy ra vô cùng khốc liệt đòi hỏi chúng ta phải rà soát lại khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách, những vấn đề trước mắt và các nhóm giải pháp lâu dài. Có thể kể đến như toàn bộ những cơ chế chính sách để làm sao các đai rừng, thảm rừng phục hồi một cách chất lượng và nhanh nhất…

Có một thực tế, hiện nay, tình hình dân cư của 13 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đang bố trí không đảm bảo an toàn kể cả cho dân sinh, sản xuất… Tới đây, phải tổng rà soát lại toàn bộ dân cư của 13 tỉnh khu vực này để đưa ra lộ trình tổng thể bố trí, sắp  xếp lại dân cư đảm bảo tính an toàn cao nhất. Bên cạnh đó, phương thức sản xuất cũng phải đảm bảo thích ứng nhất theo điều kiện: bất kỳ tình huống nào của những điều kiện bất thuận thời tiết xảy ra thì những hình thái sản xuất đó cũng góp phần giảm thiểu rủi ro đến mức cao nhất.

Đi đôi với những giải pháp trước mắt, chúng ta cần tính toán đến những câu chuyện dài hơi hơn từ các chương trình, dự án để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, biện pháp chỉ đạo của từng cấp từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, tổng huy động nguồn lực, trong đó toàn thể nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, lúc nào cũng thường trực với phương châm “phát triển đi đôi với bền vững” để có biện pháp thích ứng rộng rãi.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Từ đầu năm đến nay, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 279 đợt thiên tai, làm chết và mất tích 48 người, tổng thiệt hại về tài sản lên tới 3.424 tỷ đồng. Riêng khu vực miền núi phía Bắc, 20 năm gần đây đã xảy ra 590 trận lũ quét, 92 đợt rét đậm, rét hại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng kịch bản ứng phó với hai đầu cực đoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO