Báo cáo tại buổi làm việc về hiện trạng, cũng như định hướng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) tại Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn - Trưởng Phòng Công nghệ đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý cho biết: Mạng lưới Trạm định vị vệ tinh quốc gia gồm 65 trạm. Trong đó, 24 Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục được thiết kế mốc bê tông khoan sâu đến tầng ổn định (độ sâu trung bình từ 30m - 60m) phân hố đều trên phạm vi cả nước với khoảng cách từ 150km - 200km/Trạm được sử dụng làm khung tham chiếu cho hệ tọa độ quốc gia.
Đối với hiện trạng nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 được xây dựng trong giai đoạn từ 2005 - 2012 tại khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu vực kinh tế phát triển và khu vực 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long…
Chia sẻ về định hướng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, ông Tuấn cho biết: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã và đang tập trung vào việc xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa Trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực.
Về dữ liệu khung Cục cũng sẽ triển khai xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm phần đất liền, đảo, quần đảo xây dựng cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ; thành lập bản đồ không gian 3 chiều các thành phố trọng điền đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng và quốc phòng, an ninh…
Bà Kathrine, đại diện phía Ngân hàng Thế giới cho biết: Các cơ quan của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao những kết quả của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã làm được trong những năm qua. Thông qua buổi làm việc Ngân hàng Thế giới mong muốn tìm hiểu rõ hơn về hiện trạng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia của Việt Nam.
Đặc biệt dựa trên những nghiên cứu về cơ sở dữ liệu địa chính tương đối hoàn thiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ngân hàng Thế giới sẽ thực hiện các thủ tục, cũng như làm đề xuất với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các Bộ, ngành liên quan về việc thí điểm mô hình tích hợp cơ sở giữ liệu địa chính với NSDI (hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Đinh Hồng Phong - Phó Giám đốc, Ban Quản lý dự án “Tăng cường quản lý đất đai và Cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILAP), Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Nếu Dự án thí điểm trên của Ngân hàng Thế giới đi vào triển khai sẽ gặp một số khó khăn nhất định như công nghệ, kỹ thuật, cũng như độ chính xác giữa cơ sở giữ liệu địa chính với dữ liệu nền địa lý NSDI.
Về vấn đề này theo Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Dương Văn Hải cho biết: Tất cả dự án khi bắt tay vào thực hiện sẽ gặp phải không ít khó khăn, nhưng nếu chúng ta không làm thì sẽ không bao giờ hiện thực hoá được việc tích hợp cơ sở giữ liệu địa chính với NSDI. Do đó, lãnh đạo Cục hết sức ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cơ quan của Ngân hàng Thế giới triển khai dự án.
Cùng với đó, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cũng sẽ chỉ đạo các cán bộ có kinh nghiệm, có chuyên môn tham gia phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai và Ngân hàng Thế giới để có thể đưa Dự án vào thực hiện trong thời gian sớm nhất.