Xây dựng hệ thống thông tin đất đai để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất

Trường Giang| 06/10/2020 13:16

(TN&MT) - Những năm gần đây, đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ đòi hỏi phải xây dựng hệ thống thông tin đất đai để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất.

Bà Phạm Thị Thịnh, Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục quản lý đất đai) cho biết, đến nay, hệ thống khung chính sách pháp luật về quản lý sử dụng đất đã được liên tục hoàn thiện với việc ban hành Luật Đất đai các năm: 1987, 1993, 2003 và 2013 và được quốc tế công nhận là tương đối đầy đủ và hợp lý.

 Luật Đất đai năm 2013 (đang có hiệu lực thi hành) đã có những nội dung đổi mới quan trọng như: Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân; công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất; quy định việc tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình của Nhà nước; quy định cụ thể về việc giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng đất của các cơ quan dân cử, của công dân và hình thành hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất.

Tuy nhiên, năng lực thực thi chính sách pháp luật của ngành quản lý đất đai (QLĐĐ) vẫn tiếp tục là hạn chế cơ bản, khoảng cách giữa khung chính sách và hiệu quả thực thi pháp luật vẫn còn khá lớn, đặc biệt, khung chính sách không được thực thi một cách thống nhất giữa các địa phương trong cả nước.

 

Một trong những nguyên nhân chính gây ra hạn chế về năng lực thực thi ở các cơ quan QLĐĐ là do các cơ quan này chưa có đủ năng lực và các công cụ cần thiết để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là năng lực và các công cụ để vận hành hệ thống QLĐĐ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, hạ tầng thông tin đất đai và CSDL đất đai quốc gia - yếu tố cốt lõi để hỗ trợ vận hành công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác vẫn còn vừa thiếu vừa yếu. Thông tin đăng ký đất đai vẫn chưa hoàn thiện, chủ yếu ở dạng hồ sơ giấy và độ tin cậy thấp; nhu cầu khai thác thông tin đất đai chưa được đáp ứng đầy đủ do chưa có hạ tầng thông tin hiện đại; chưa xây dựng được hệ thống theo dõi, đánh giá hiệu quả.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hệ thống thông tin đất đai (TTĐĐ) và cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai là công cụ để thực hiện tốt nhất công tác quản trị hiện đại; giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất; cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân; đây là các yếu tố quan trọng góp phần giảm đói nghèo, giúp tăng trưởng GDP theo đầu người và GDP cho cả nước. Hay nói cách khác, Hệ thống TTĐĐ và CSDL đất đai chính là hạ tầng mềm và công cụ để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ QLĐĐ, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Các quốc gia đã thành công trong việc xây dựng và ứng dụng hệ thống TTĐĐ quốc gia đa mục tiêu đều giành nguồn đầu tư thích đáng cho việc: Xây dựng hành lang pháp lý, thiết kế mô hình hệ thống, phát triển phần mềm ứng dụng và quản lý, đầu tư phần cứng, xây dựng và chuẩn hóa CSDL đất đai, đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống TTĐĐ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính hữu ích của hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu; vận hành và bảo trì hệ thống.

Khi đã xây dựng được hệ thống TTĐĐ, hoàn thiện được chế độ công khai, chia sẻ thông tin, hệ thống TTĐĐ của các nước đều góp phần đáng kể trong việc tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giảm chi phí hành chính, tạo thuận lợi và kích thích các giao dịch về đất đai.

Bên cạnh đó, có khoảng 80% quyết định về các lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội của các cơ quan QLNN đều cần tới những thông tin có yếu tố vị trí địa lý hay thông tin về không gian. Trước đây, khi CNTT chưa phát triển, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác những thông tin này phục vụ quá trình ra quyết định là một thách thức lớn đối với các cơ quan QLĐĐ.

Ví dụ, hệ thống TTĐĐ của các nước phát triển như: Thụy Điển, Niu Di-Lân, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc... CSDL về đất đai đều đang được chia sẻ và sử dụng cho hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực; Hệ thống CSDL đất đai của Thổ Nhĩ Kỳ có tới trên 40 đơn vị trong và ngoài Nhà nước khác nhau cùng chia sẻ và sử dụng, hay hệ thống Mạng thông tin đất đai của Singapore (LandNET) được chia sẻ cho 39 cơ quan Chính phủ và hơn 30 đơn vị ngoài Chính phủ sử dụng trong đó có tới hơn 270 lớp thông tin khác nhau được chồng lên hệ thống CSDL đất đai...

Với nguồn đầu tư từ trước đến nay, CSDL địa chính ở Việt Nam đã bắt đầu được hình thành, tuy nhiên việc lưu trữ dữ liệu còn phân tán và chưa được quản lý, đưa vào vận hành một cách tối ưu, dẫn tới hiệu quả khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Các CSDL về quy hoạch, giá đất là thành phần quan trọng trong CSDL về đất đai chưa được hình thành.

Theo Bà Phạm Thị Thịnh để nâng cao tính hiệu quả của hệ thống CSDL quốc gia về đất đai, cần rất chú trọng vào khâu khai thác, cập nhật và chia sẻ dữ liệu. Công cụ để thực hiện tốt việc cập nhật, sử dụng và chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai chính là việc thiết kế và xây dựng một hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu trong đó cho phép lưu trữ dữ liệu đất đai tập trung tại một đầu mối và qua đó cho phép chia sẻ thông tin nhanh chóng, chính xác cho tất cả những đối tượng có nhu cầu và quyền hạn sử dụng dữ liệu.

Đến nay trên cả nước đã có 192/707 đơn vị hành chính cấp huyện (thuộc 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành việc xây dựng CSDL địa chính và đưa vào vận hành, khai thác. Đã đưa được 22,7 triệu thửa đất và 11,7 triệu hồ sơ địa chính dạng số vào CSDL đất đai để quản lý, khai thác sử dụng. Một số địa phương đang bắt đầu tiến hành các thành phần khác của CSDL đất đai: CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, CSDL giá đất, CSDL thống kê, kiểm kê đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ thống thông tin đất đai để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO