Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản: Một số thành công bước đầu

Lan Chi| 01/01/2021 14:59

(TN&MT) - Trước những xu hướng “chuyển đổi số”, “dịch vụ công trực tuyến” của Đảng và Chính phủ, nhu cầu của xã hội về việc chia sẻ, khai thác hiệu quả tri thức khoa học, kinh nghiệm, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản để tổ chức quản lý và khai thác kho dữ liệu quốc gia được thu thập hàng thập kỷ, thông tin về địa chất, khoáng sản cũng không ngoại lệ.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hiện đang lưu trữ hàng ngàn báo cáo địa chất từ sau khi thành lập, thậm chí các thông tin dữ liệu từ thời Pháp cùng nhiều loại báo cáo chuyên ngành, ấn phẩm, tạp chí địa chất, thông tin các mỏ khoáng sản, trữ lượng khoáng sản; các loại bản đồ địa chất, thủy văn, khoáng sản... cũng được lưu trữ. Kho dữ liệu ngày càng lớn với trung bình hàng trăm báo cáo địa chất mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Quang Lộc, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Lưu trữ và Tạp chí địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Để có thể đưa dữ liệu địa chất khoáng sản phục vụ rộng rãi hơn, sâu hơn và phát huy hiệu quả sự đóng góp của thông tin địa chất khoáng sản trong xây dựng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời tăng cường khả năng trao đổi thông tin trong các dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu phát triển thì việc xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần được ưu tiên.

Bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc

Từng bước phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản hiện đại

Trong giai đoạn hiện nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang giao Trung tâm Thông tin Lưu trữ và Tạp chí địa chất chủ trì triển khai Đề án thành phần “Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản vùng Tây Bắc” thuộc Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”.

Đề án này nhằm hệ thống hóa và quản lý các dữ liệu địa chất, khoáng sản đã có thuộc vùng Tây Bắc cũng như quản lý thông tin về quản lý, chuyên môn hỗ trợ trực tiếp cho đề án điều tra tổng thể đồng thời hỗ trợ cho các địa phương có một cơ sở dữ liệu thống nhất để dễ dàng khi triển khai cũng như tích hợp chung vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia địa chất, khoáng sản. Sau khi hoàn thành, cơ sở dữ liệu của Đề án sẽ cung cấp tương đối đầy đủ thông tin về tiềm năng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên địa chất và cảnh báo thiên tai địa chất tiềm ẩn, để góp phần xây dựng một chiến lược phát triển bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năng của vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Quang Lộc cho rằng, trong khuôn khổ cơ sở dữ liệu của Đề án, giới hạn về mặt dữ liệu của vùng Tây Bắc, nhưng về bản chất có thể cập nhật dữ liệu của vùng lãnh thổ bất kỳ trong tương lai nên có thể mở rộng để cập nhật thông tin địa chất khoáng sản của các vùng khác trên toàn quốc, góp phần tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản.

Các công cụ phầm mềm xử lý các dữ liệu chuyên ngành do Đề án xây dựng không chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác thi công của các đề án thành phần trong toàn bộ Đề án tổng thể mà vẫn có thể được áp dụng cho đề án khác trong tương lai, vì thế sẽ góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả của công tác điều tra địa chất khoáng sản một cách lâu dài và toàn diện.

“Thực hiện thành công nhiệm vụ này sẽ đặt những nền móng đầu tiên để Trung tâm Thông tin Lưu trữ và Tạp chí địa chất, các Sở TN&MT đi những bước tiếp theo trong việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản hiện đại, tương thích với các hệ thống của các nước phát triển. Đồng thời, phục vụ đắc lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Nguyễn Quang Lộc nhấn mạnh.

Dữ liệu ngành địa chất khoáng sản mang tính đặc thù, nhiều dữ liệu có giá trị phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, ngành, đặc biệt là các quy hoạch về khoáng sản, các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều cần sử dụng các dữ liệu địa chất, khoáng sản. Ngoài ra, dữ liệu địa chất, khoáng sản được sử dụng nhiều trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ quan nghiên cứu các khoa học về trái đất, về môi trường, các trường đại học, các nhà khoa học và các sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực về khoa học trái đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản: Một số thành công bước đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO