Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Chiến lược được xây dựng với mục tiêu là phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.
Ngành Đo đạc bản đồ xây dựng Chiến lược phát triển đến 2040
Một trong những cơ sở vật chất quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 là Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam”.
Tiến sỹ Phan Ngọc Mai, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, dự án hướng đến mục tiêu ứng dụng các dịch vụ, tiện ích mà công nghệ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu đem lại trong ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và đo đạc bản đồ nói riêng. Ngoài ra, dự án còn đáp ứng các yêu cầu về định vị độ chính xác cao của các ngành khác như giao thông, xây dựng, nông nghiệp...
Mục tiêu của Dự án là hình thành mạng lưới các trạm quan trắc thu liên tục số liệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng các vệ tinh trên thế giới; làm cơ sở thống nhất về cơ sở toán học cho số liệu địa lý khu vực và toàn cầu; phục vụ cho việc nghiên cứu, phát hiện kiến tạo hiện đại của vỏ trái đất, phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, hỗ trợ công tác dự báo thời tiết; đưa các hệ thống thu tín hiệu vệ tinh rời rạc trên cả nước về cùng một hệ thống thống nhất nhằm tối ưu hóa thiết bị, giảm thiểu đầu tư, mở rộng khả năng khai thác; cung cấp tín hiệu cải chính với độ chính xác cao phục vụ cho tất cả các lĩnh vực ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực đo đạc bản đồ và các ứng dụng khai thác thông tin toạ độ dựa trên nền tảng công nghệ interrnet.
Theo ông Phan Ngọc Mai, trong giai đoạn đầu thực hiện (từ 2015 - 2020), Dự án đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt, đào tạo và chuyển giao 65 trạm tham chiếu hoạt động liên tục (trạm CORS) phủ trùm cả nước và 1 trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội, có khả năng thu nhận và xử lý tín hiệu từ các hệ thống GNSS phổ biến hiện có trên thế giới, cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực với độ chính xác cao cho người sử dụng.
Được biết, dữ liệu của các trạm CORS được truyền trực tiếp qua mạng internet về Trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội được xử lý tính toán và đang cung cấp miễn phí cho người sử dụng thông qua sóng 3G, 4G. Các tổ chức, đơn vị tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ hiện tại chủ yếu là phục vụ công tác đo đạc, bản đồ, quản lý đất đai. Đến nay, đã có tổng số gần 600 tài khoản được đăng ký với hơn 300 tài khoản hoạt động thường xuyên.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa thăm và làm việc tại Trạm định vị vệ tinh Quốc gia tỉnh Quảng Ninh (2019) |
Theo quy hoạch, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam sẽ có khoảng 160 trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh. Trên thực tế, một vài địa phương đã tự xây dựng hệ thống trạm của riêng mình nhưng không kết nối với trạm định vị vệ tinh quốc gia, sẽ dẫn đến việc khó chia sẻ dữ liệu dùng chung, độ chính xác không đồng đều, gây những khó khăn nhất định cho người sử dụng. Dự án này mới chỉ xây dựng 65 trạm, các khu vực còn lại cần có sự góp sức của các địa phương để chia sẻ dữ liệu dùng chung.
Để thực hiện vận hành, Trung tâm xử lý số liệu được xây dựng tại trụ sở Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. Toàn bộ số liệu từ các vệ tinh định vị toàn cầu thu được cùng với các số liệu khí tượng sẽ được truyền về Trung tâm xử lý một cách liên tục. Trung tâm xử lý sẽ tính toán và cung cấp số liệu cải chính phục vụ đo tín hiệu vệ tinh định vị theo thời gian thực với độ chính xác cỡ một vài cm trên hạ tầng internet để cung cấp tới các máy thu.