PV: Theo ông, vì sao nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công xuống thấp kỷ lục như thời gian vừa qua?
PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung: Mùa mưa năm nay đến khá muộn trên toàn bộ lưu vực sông Mê Công, làm cho tổng lượng nước vào sông Mê Công suy giảm đáng kể. Ngoài ra, việc các đập thủy điện trên thượng nguồn tích nước đã làm trầm trọng thêm vấn đề khô hạn ở hạ nguồn.
Từ thực tế đó, ĐBSCL đang rơi vào thế bị động cả trước những hiện tượng thời tiết cực đoan lẫn những tác động mạnh mẽ của việc tích nước ở thượng nguồn. Điều này khiến cho việc đưa ra các giải pháp ứng phó gặp rất nhiều khó khăn.
Để chủ động về nguồn nước, việc trữ nước ngọt cho ĐBSCL là điều rất cần thiết. Tuy vậy, chúng ra cần có chiến lược thực hiện việc này một cách khoa học, dựa trên các đặc thù về nguồn nước, không gian và thời gian.
Cụ thể, về nguồn nước ngọt, vùng ĐBSCL có 3 nguồn chính gồm: Nguồn nước từ sông Mê Công; nguồn nước ngầm và nguồn nước mưa tại chỗ. Trong đó, hiện nay, chúng đa đang tập trung chủ yếu khai thác nguồn nước sông Mê Công, kế đó là nước ngầm, còn nước mưa chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt ở các vùng sâu, vùng xa.
Đáng lưu ý, nguồn nước sông như đã phân tích ở trên rất dễ bị tổn thương và khó kiểm soát do tác động từ bên ngoài và rất dễ bị ô nhiễm. Nguồn nước ngầm đang bị suy giảm nhanh gây ra lún sụt đất nên trong tương lai bắt buộc phải giảm sử dụng nguồn nước này.
Về không gian, theo nguồn nước, vùng ĐBSCL được chia ra thành 5 tiểu vùng sinh thái khác nhau đó là: Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng nước ngọt cao ven sông, vùng cửa sông ven biển Đông và vùng bán đảo Cà Mau.
Các tiểu vùng có lợi thế về tích trữ nước do có địa hình trũng là Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và bán đảo Cà Mau. Trong đó, vùng bán đảo Cà Mau tuy xa sông Hậu nhưng lại có đặc thù là lượng mưa trung bình hằng năm cao nhất cả vùng.
Với các đặc thù về nguồn nước và không gian, vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải trả lời được chính xác các câu hỏi sử dụng hay tích trữ nguồn nước nào, ở đâu và khi nào để có thể sử dụng được một cách tối ưu các ưu thế đặc thù của điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL?
PV: Vậy, giải pháp nào sử dụng một cách hài hòa các nguồn nước tại vùng ĐBSCL, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung: Theo tôi, đối với vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, các vùng ven sông, chúng ta cần trữ nước lũ ở cuối mùa lũ, vào khoảng tháng 10, tháng 11 vào các vùng trũng thấp, ao hồ và kênh rạch.
Đối với vùng ven biển và bán đảo Cà Mau, trong suốt mùa lũ, bên cạnh trữ nước lũ, việc trữ nước mưa rất quan trọng vì nếu lũ không về, người dân vẫn có nước sử dụng.
Tuy vậy, cần lưu ý, việc kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng nước vào các khu chứa này. Nếu không các khu vực chứa nước sẽ bị ô nhiễm và nước đó không những không sử dụng được mà còn phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên.
Trong tương lai dài hạn, khi kinh tế phát triển và điều kiện thời tiết thuận lợi, chúng ta có thể xây dựng các khu hồ điều hòa để trữ và bơm nước lũ và mưa vào các tầng chứa nước ngầm phục hồi nguồn nước này để những năm khô hạn, vẫn có nguồn nước ngầm này để ứng phó tức thì.
Bên cạnh việc gia tăng nguồn nước tích trữ, việc nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và chính sách để tiết kiệm nước trong canh tác nông nghiệp, trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng rất quan trọng. Ở một số nước phát triển, khi nguồn nước đặc biệt khó khăn, người ta đã phải thực hiện các giải pháp tái sử dụng nước thải.
Các giải pháp này một phần gia tăng khả năng chống chịu và giảm các tác động môi trường, phần khác gia tăng hiệu quả kinh tế cho vùng ĐBSCL.
PV:Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng giải pháp trữ nước tại vùng ĐBSCL trong thời gian qua?
PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung: Việc trữ nước ngọt cho ĐBSCL có thể gắn liền với sinh kế của người dân. Ví dụ như các khu hồ điều hòa chứa nước có thể kết hợp tạo không gian sinh thái kết hợp dịch vụ giải trí, mua bán, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Đồng thời, kết hợp nuôi trồng thủy sản và các loại rau màu thủy sinh cũng là một hướng tốt. Điển hình là tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện thành công mô hình sen - cá - du lịch sinh thái.
Vấn đề chúng ta cần lưu ý, việc đảm bảo cho đầu ra của các mô hình này được bền vững. Nếu chúng ta kiểm soát được tốt quá trình sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, sinh thái hay hữu cơ và tìm được thị trường tốt, thậm chí, giá trị sinh kế gia tăng đáng kể.
Việc sản xuất thuận thiên, ít ảnh hưởng chất lượng môi trường cũng khiến cho chất lượng nước mặt của vùng ĐBSCL được cải thiện tốt hơn và sinh kế của người dân được bền vững hơn.
PV: Để vùng ĐBSCL không lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là gì, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung: Trước mắt, chúng ta cần phải nghiên cứu một cách chi tiết các kịch bản nhu cầu nước ngọt của các tiểu vùng cũng như các kịch bản nguồn nước ngọt hiện tại cũng như tương lai. Thực tế, thời gian qua, cả nhu cầu nước và nguồn nước ngọt tại vùng ĐBSCL biến động rất lớn.
Trong khi nhu cầu nước gia tăng lớn do phát triển kinh tế, nguồn nước bị suy giảm do biến đổi khí hậu và tích nước thượng nguồn, nhất là trong những năm khô hạn.
Do đó, nếu chúng ta kiểm soát được nhu cầu sử dụng nước ngọt thông qua các biện pháp tiết kiệm nước hay nói cách khác sử dụng hiệu quả nguồn nước và chuyển đổi một số vùng canh tác nước ngọt sang nước lợ, mặn, đồng thời, gia tăng tích lũy nước lũ, nước mưa của mùa trước, chúng ta có thể giảm được các rủi ro thiếu nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!