Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
Xã Mù Sang, có 10 bản, 559 hộ dân, trên 3 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là người Mông, Dao sinh sống, là xã khó khăn nhất của huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh lai Châu. Đã khó khăn, vất vả nhưng thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất, mưa đá thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, do địa hình vùng cao nên hạn hán kéo dài, tình trạng thiếu nước sản xuất vẫn tiếp diễn nhiều năm, đã làm ảnh hưởng đến năng suất hoa màu của toàn xã.
Thiên tai khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát sinh các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Chỉ tính riêng năm 2020, trong 4 đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại lên tới trên 19 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 2 đợt thiên tai, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu với tổng giá trị trên 120 triệu đồng. Sau khi xảy ra thiên tai, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đến động viên, vận động người dân khắc phục, sửa chữa lại nhà ở, chuồng trại bị hư hỏng, phục hồi, chuyển đổi các diện tích hoa màu bị hỏng sang trồng loại cây ngắn ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Mù Sang nhận định: Để khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, việc chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ tất yếu. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức họp bàn, tìm các giải pháp thực hiện. Theo đó, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch quy hoạch sản xuất theo vùng; chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xã xuống các bản tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với diễn biến khí hậu hiện nay. Tại những diện tích trồng lúa nước thường xuyên thiếu nước, chúng tôi vận động bà con chuyển đổi diện tích này sang trồng ngô, trồng chuối kém… Những diện tích trồng ngô, chuối kém hiệu quả chuyển sang trồng cây sắn năng suất cao. Hiện nay, cây sắn đang có đầu ra ổn định, sản lượng tốt. Toàn xã Mù Sang trồng được 202ha sắn (tăng 150ha so năm 2020)
Ngoài ra, chúng tôi còn vận động bà con tích cực khai hoang diện tích đất trống để trồng cây ăn quả, khôi phục diện tích cây ăn quả bị thiên tai làm ảnh hưởn. Triển khai chủ trương của tỉnh hỗ trợ đưa cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào trồng sen canh tại các tán rừng. Vận động Nhân dân các bản triển khai cấy lúa 2 vụ trên diện tích đất sản xuất đủ nước, đồng thời đưa các giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng tạo năng suất. Khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu làm đất để giảm chi phí và sức lao động.
Chủ động, linh hoạt trong chuyển đổi
Để giúp bà con có thêm nguồn lực, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã chủ động triển khai hỗ trợ kịp thời các chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện về giống lúa, ngô, cây dược liệu, máy móc phục vụ sản xuất…,tạo điều kiện để bà con gieo trồng, khôi phục, thay thế diện tích đã bị hư hại do thiên tai gây ra, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Địa phương đã phối hợp với các cơ quan trong Khối Nông nghiệp huyện Phong Thổ thực hiện cấp bù trên 1,4 tấn giống lúa, ngô cho Nhân nhân khôi phục lại.
Anh Ma A Chiến, một trong những điển hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả từ việc thích ứng với biến đổi khí hậu của xã Mù Sang. Gia đình anh đã chuyển đổi 5.000m một số diện tích đất trồng ngô bị ảnh hưởng mưa lũ sang trồng sắn. Ngoài ra còn khai hoang thêm một số diện tích đất để trồng ngô, sắn. Kết quả đạt được vụ vừa qua gia đình thu được trên 10 tấn sắn, được giá nên thu về trên 20 triệu đồng. Ngoài sắn gia đình còn thu được 35 bao thóc, 20 bao ngô hạt.
A Chiến, chia sẻ: Hiện nay, tôi còn mạnh dạn trồng 1.700 gốc sa nhân tím. Nhờ đó, đời sống từng bước được nâng lên, mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Không chỉ hỗ trợ giống cây trồng, xã Mùa Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu còn quan tâm, thực hiện kịp thời, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, xây dựng các tuyến đường ra khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển vùng sản xuất nông nghiệp và hướng đến sản xuất nông sản hàng hóa. Toàn xã hiện có 6 tuyến đường ra khu sản xuất ở các bản: Tung Chung Vang, Sin Chải, Sàng Sang, Mù Sang, Lảng Than và Sàng Cải đang thi công hoàn thiện trên 80% khối lượng công trình.
Có thể khẳng định, từ những giải pháp phù hợp, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền xã Mù Sang và sự đồng thuận của Nhân dân, trong việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, đã tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế vùng biên khởi sắc. Từ đó, nâng thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm 2021, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-5%; góp phần xây dựng vùng biên giàu mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới.