Xã Minh Tân (Hải Dương): "Cát tặc" nuốt mất hàng chục héc ta đất

30/09/2018 15:53

(TN&MT) - Do tình trạng khai thác các trái phép diễn biến phức tạp, việc phòng chống “cát tặc” không hiệu quả, trong những năm qua, bãi bồi ven sông Thái Bình thuộc xã Minh Tân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã sạt lở hàng trăm mét bờ sông, đe dọa công trình đê điều, làm mất hàng chục ha đất sản xuất. 

Sạt bờ sông vào trong hành lang bảo vệ đê

Khu vực đê cấp I sông Thái Bình, qua thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân, huyện Nam Sách là điểm nguy hiểm của hệ thống đê điều. Cứ lũ báo động số 2 tại đây lại xảy ra hiện tượng tập đoàn mạch đùn, mạch sủi. Chính nơi đê xung yếu của xã mới xảy ra một vụ sạt bờ sông, cung sạt lấn sâu vào phía đê, hiện điểm sạt sâu nhất còn cách hàng tre chắn sóng 16m, cách chân đê không đầy 20m. Chiều dài đoạn sạt trên 30m, đoạn sông này sâu trên 15m, điểm sạt rất nguy hiểm cho đê khu vực này.

Minh Tân 1
Do hút cát trái phép, đất bãi lở tới gần hàng tre chắn song.


Bà Đặng Thị H., một gia đình nhận thầu đất bãi tại khu vực này cho biết, những ngày gần đây có một số tàu hút cát trái phép vào hút tại điểm sạt. Việc hút cát trái phép ở đây diễn ra thường xuyên, người dân có ra đuổi, chúng lùi tàu ra xa nên không làm gì được. Người dân phản ảnh không biết bao nhiêu lần, xã có phân công người ra trông coi đất bãi nhưng không hiệu quả. Tại khu vực này, những năm 2016, 2017, các tàu vào hút cát thường xuyên, bãi bồi đã mất trên 60%.Đặc biệt, tháng 1 năm 2017, tại bãi sông ngoài đê tương ứng từ K19+249 đến K19+367 đê tả sông Thái Bình thuộc xã Minh Tân đã xảy ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng với chiều dài 108m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình đê điều. Điểm sạt nguy hiểm nhà nước phải đầu tư nhiều tỷ đồng để xây kè, nay khu vực lân cận lại tiếp tục sạt lở.

Ông Đặng Văn Mệnh, Trưởng thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân, cho chúng tôi biết, “Trước đây khu vực bãi soi kéo dài từ chân đê ra đến sông chỗ hẹp khoảng 50m, chỗ rộng nhất 250m, nhưng nay do hút cát trái phép và dòng chảy đã sạt lở điểm gần chỉ còn khoảng 20m điểm xa nhất còn 100m. Trên khu vực đất bãi của thôn, trong một khoảng thời gian dài, từ đầu 2016 đến tháng 3 năm 2018 cứ khoảng 19 giờ đến 23 giờ hoặc 3 đến 4 giờ sáng, luôn có tàu đến hút cát "hiên ngang", bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản của người dân. Có điểm “cát tặc” đã hút thành hủng lớn, nuốt trôi hàng chục mẫu đất màu mỡ bà con đang canh tác. “Cát tặc” giờ đây tác oai tác quái hơn nhiều. Chúng dùng chõ sắt nặng, dài hơn chục mét cắm sát bờ, rồi nối vòi rồng ra xa 20 mét. Tàu đỗ hút cát ở xa, nhưng thực chất đang hút tận trong bờ, chúng hút sâu 15 đến 20 m thì bãi bờ nào không sạt”.

Gia đình ông Mệnh nhận thầu đất ở đúng điểm sạt mới. Từ đầu năm 2016 đến nay, hàng mẫu đất của gia đình đã mất vì “cát tặc”. Trước đây bãi rộng 50m, nay chỉ còn 11m, không giữ được đất, gia đình đành trả lại cho UBND xã, cho người khác thầu. Hiện nay thôn Hùng Thắng đã mất hơn 60% đất bãi bồi (Toàn xã mất trên 30% đất bãi).

Buông lỏng quản lý đất bãi

Việc mất đất bãi bồi phần nào do UBND xã Minh Tân buông lỏng quản lý. Trước đây, những năm 90, mỗi người dân Minh Tân được xã chia đều phần đất bãi để canh tác, mỗi khẩu được chia gần 200 m2. Nay do bãi bồi mất dần, một phần dành cho sản xuất gạch, làm bãi kinh doanh vật liệu, nên tới nay, mỗi khẩu chỉ còn không đầy 50 m2. Diện tích nhỏ hẹp, các gia đình không muốn canh tác mà dồn đất cho một số người, mỗi hộ vài mẫu để trồng mầu. Chính sự dồn dịch đó mà có sự chuyển nhượng (trái phép, không qua chính quyền) từ người nọ sang người kia. Nhiều người từ địa phương khác tới thầu đất bãi của Minh Tân.

Minh Tân 2
Để mất bờ sông làm tan hoang vùng nuôi thủy sản.


“Khi các tàu sục vào hút cát ngay chân bãi bồi, các ruộng ngô, cà rốt lần lượt trôi xuống sông, ban đầu gọi chính quyền, an ninh họ tới để xua đuổi tàu. Nhưng đêm nào “cát tặc” cũng hút, lực lượng chức năng của xã thưa dần. Về sau chúng tôi gọi thẳng chủ tịch xã, nhưng điện thoại cũng không trả lời”- bà Nguyễn Thị T., một người thầu đất trồng mầu chia sẻ. Ở đây còn có cả khoảng đất rộng ven sông, người ta mua đi bán lại nhưng không trồng cấy gì. Đêm đêm tàu cát mặc sức vào hút, đất lở ào ào xuống sông.

Chứng kiến điểm đất bãi thôn Uông Hạ, toàn bộ hơn 200 m bờ sông bị cát tặc thổi bay. Phía trong là thùng vũng đã lấy đất làm gạch, bờ sông tan hoang, nước tràn vào diện tích phía trong người dân đang nuôi cá bỗng thông thuông ra sông, không thể nuôi trồng thủy sản. Tại khu vực đất bãi thôn Uông Hạ, do buông lỏng quản lý đất, để “cát tặc” hút mất bờ sông nên đã mất gần 7 ha đất có thể nuôi thủy sản. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đặt lịch làm việc về vấn đề quản lý đất bãi bồi với ông Nguyễn Đức Tuyển, Chủ tịch UBND xã, vì nhiều lý do, ông Chủ tịch không trực tiếp làm việc mà ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND xã, nhưng không cho cung cấp những nội dung chính khi phóng viên yêu cầu.

Gần đây, trước sự phản ảnh quyết liệt của nhân dân và thông tin đại chúng, UBND xã Minh Tân đã cho lập chốt để giữ đất, tuy nhiên đất bãi của xã đã mất hàng chục ha. Đất bãi bồi màu mỡ là tư liệu sản xuất đặc biệt của người dân Minh Tân. Khi đất bãi đã lở xuống sông thì không thể nào lấy lại được. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất bãi trong thời gian dài, UBND Huyện Nam Sách, UBND tỉnh Hải Dương cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã Minh Tân trong việc quản lý đất đai, làm mất hàng chục ha đất bãi bồi trong thời gian gần đây.

                                                                       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Minh Tân (Hải Dương): "Cát tặc" nuốt mất hàng chục héc ta đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO