Vùng ven biển Quảng Nam: Ngập rác thải nhựa

Lan Anh| 27/06/2019 08:00

(TN&MT) - Đi dọc bờ biển Quảng Nam từ huyện Núi Thành đến bờ biển TP. Hội An, rác thải tràn lan trên bến, dưới nước, chủ yếu là các loại bao ni lông, chai nhựa… Bất cập trong công tác thu gom, xử lý rác thải cùng với ý thức của người dân chưa cao đã khiến nhiều vùng ven biển của tỉnh Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng.

Túi ni lông, chai nhựa bủa vây các xã ven biển Quảng Nam
Túi ni lông, chai nhựa bủa vây các xã ven biển Quảng Nam

Xã đảo Tam Hải - một thắng hiếm có của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp hoang sơ, bình yên. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đang ưu tiên phát triển du lịch để kích cầu kinh tế tại địa phương. Thế nhưng, có một điều làm người dân và du khách e ngại khi đến xã đảo này là tình trạng rác thải từ biển tấp vào đây số lượng lớn nhưng không được xử lý, gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Các loại rác thải chủ yếu là bao ni lông, chai nhựa, ngư lưới cụ ứ đọng thành từng đống dọc bờ biển, ruồi muỗi bay xung quanh tạo thành một quang cảnh nhếch nhác, ô nhiễm.

Ông Trần Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Tam Hải, huyện Núi Thành cho biết, địa phương nằm cuối con sông Trường Giang đổ ra biển nên trở thành nơi hứng rác của đất liền. Bao nhiêu rác ở các xã ven biển của TP. Tam Kỳ và huyện Núi Thành theo dòng nước trôi về, tấp vào ven bờ sông Trường Giang ở xã Tam Hải. Bên cạnh đó, cửa biển Tam Hải cũng là nơi neo đậu tàu thuyền của nhiều tỉnh lân cận, ngư dân tiện tay sử dụng bao ni lông, chai nhựa rồi quăng xuống biển theo sóng tấp vào bờ. Hiện khối lượng rác thải tại xã đảo Tam Hải rất lớn, rác sinh hoạt của người dân khoảng 3,2 tấn/ngày, rác từ biển theo sóng đẩy vào Cửa Lở và cửa An Hòa khoảng 0,5 - 1 tấn/ngày. Hàng năm, huyện bố trí nguồn kinh phí cho xã hơn 50 triệu để xử lý rác thải nhưng không đủ để thực hiện. Ngoài ra, địa phương cũng chưa tổ chức thu gom, xử lý rác được vì bến phà nối liền xã đảo với đất liền đã bị xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, xe thu gom ép rác không thể di chuyển được qua được.

Rác thải không được thu gom, xử lý gây nhếch nhác, ô nhiễm
Rác thải không được thu gom, xử lý gây nhếch nhác, ô nhiễm

Vừa qua, phòng TN&MT đã trình UBND tỉnh đề án đầu tư dự án phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, ép và vận chuyển rác thải quy mô liên xã (gồm Tam Hải và Tam Quang). Đây là mô hình cần thiết, phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Tam Hải. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là cần thiết xây dựng một bến phà để thuận lợi việc di chuyển xe ép rác từ xã đảo qua đất liền thuận lợi thu gom rác thải.

“Rác tràn ngập khắp nơi, gây bức xúc cho địa phương nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Người dân không biết đổ đi đâu. Chính quyền cũng chỉ biết vận động bà con phân loại rác thải tại nguồn, cái gì đốt được thì đốt, chôn được thì chôn. Đồng thời vận động bà con, ngư dân hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa”- ông Trần Ngọc Hữu cho biết.

Ông Trần Ngọc Hữu cũng cho biết thêm, chính quyền xã Tam Hải cũng đã tổ chức vận động tuyên truyền, triển khai thực hiện thí điểm người dân không sử dụng túi ni lông như ở Cù Lao Chàm (TP. Hội An) để hạn chế tình trạng ô nhiễm nhưng hiệu quả không cao. Theo ông Hữu, trong khi Cù Lao Chàm cách đất liền 30 phút đi cao tốc thì Tam Hải chỉ mất khoảng 5 phút đi phà, việc người dân di chuyển, giao thương sử dụng túi ni lông quá thuận lợi và khó kiểm soát nên vận động thay đổi thói quen tiến đến không sử dụng túi ni lông rất là rất khó.

Tương tự, tại bờ biển An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng đang phải gồng mình để hứng chịu lượng rác thải đổ về và không có dấu hiệu dừng lại. Rác thải, túi ni lông, chai nhựa... chồng chất và bốc mùi hôi thối suốt chiều dài bờ kè dài hơn 1km. Ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch tại địa phương. Theo người dân, do đoạn bờ kè này nằm ở cuối sông Thu Bồn nên nhận lượng lớn rác thải đổ về, đồng thời rác từ phía biển Cửa Đại cũng tấp vào đây. Ngoài ra, một lượng lớn rác nằm tại khu vực này còn do người dân vứt rác sinh hoạt hàng ngày. Những năm trước, khách du lịch đến đây khá đông do gần phố cổ Hội An, thế nhưng ô nhiễm đã khiến không còn ai ghé lại.

Bảo vệ môi trường nói chung và hạn chế sử dụng túi ni lông là việc làm rất khó cho ngành du lịch Quảng Nam
Bảo vệ môi trường nói chung và hạn chế sử dụng túi ni lông là việc làm rất khó cho ngành du lịch Quảng Nam

Quảng Nam hiện được coi là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển trong khu vực miền Trung. Hiện nay, địa phương này đã thu hút nhiều dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển trải dài từ thành phố Hội An đến huyện Núi Thành. Việc giải bài toán về bảo vệ môi trường nói chung và hạn chế sử dụng túi ni lông là việc làm rất khó cho ngành du lịch, chính quyền địa phương.

Trước thực trạng nguồn rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, ngành chức năng, chính quyền tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều chiến dịch, hoạt động tái chế, tái sản xuất, tái sử dụng chất thải nhựa để phát triển kinh tế biển bền vững. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản kêu gọi cắt giảm sử dụng, đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nilon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, bao bì nhựa như túi giấy, túi nilon dễ phân hủy, dùng lá chuối, lá dong,... tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, cơ sở y tế, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; triển khai nhân rộng mô hình phụ nữ nói không với túi ni lông trên toàn tỉnh; tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực để huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển, trên các xã đảo.

Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đang thực sự là thách thức để phát triển kinh tế biển tại Quảng Nam. Đã đến lúc, chính quyền địa phương, cộng đồng cần quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến “chống rác thải nhựa” vì một môi trường biển xanh – sạch – đẹp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng ven biển Quảng Nam: Ngập rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO