Phiên xét xử vụ đánh bạc ngàn tỷ sáng nay kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần luận tội của đại diện VKS.
Đại diện VKS cho rằng, hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức dánh bạc, lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến; Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là hơn 9.853 tỷ đồng.
CQĐT đã khởi tố 105 bị can cư trú ở 24 tỉnh, TP từ Bắc đến Nam, từ trung du đến đồng bằng.
Số tiền thu được trong vụ án đạt mức kỷ lục trong tư pháp Việt Nam.
Kết quả xét hỏi tại tòa, có 89/92 bị cáo thừa nhận tội, cho thấy việc truy tố đối với 89 bị cáo này là có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Còn lại 3/92 bị cáo chưa nhận tội, trong đó có Phan Văn Vĩnh không nhận tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chỉ coi đây là lỗi cố ý gián tiếp.
Đề nghị mức án
Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Dương: 8-9 năm tù tội Tổ chức đánh bạc; 3-4 năm tù tội Rửa tiền. Tổng hình phạt là 11-13 năm tù. Biện pháp tư pháp: Tịch thu hơn1.655 tỷ đồng, tiếp tục tạm giữ số tiền hơn 86 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Sào Nam đã thừa nhận hành vi phạm tội, thu lời bất chính hơn 1.476 tỷ đồng, sau đó chuyển tiền lòng vòng qua nhiều người, trong đó có gửi dì hơn 200 tỷ đồng để rửa tiền.
Việc bị cáo chuyển 3,5 triệu USD ra Singapore, Nam mong được xử lý luôn trong phiên tòa này. Do đó xác định Nam rửa tiền hơn 300 tỷ đồng. Riêng 3,5 triệu USD sau này xác định được sẽ sung công, không xem xét trách nhiệm hình sự với Nam nữa.
VKS cho rằng Nam được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì tự nguyện khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo...; không phải chịu tình tiết tăng nặng nào và đề nghị xử phạt Phan Sào Nam: 3-4 năm tù tội Tổ chức đánh bạc: 3 năm tù tội Rửa tiền. Tổng hình phạt 6-7 năm tù.
Biện pháp tư pháp: Tịch thu ngân sách nhà nước số tiền hơn 1.476 tỷ đồng. Tiếp tục tạm giữ số tiền đã tạm giữ đối với Nam là hơn 1.000 tỷ đồng, tiếp tục phong tỏa 13 căn hô, 5 ô tô, tài khoản ngân hàng...
Đối với Phan Văn Vĩnh: Theo đại diện VKS, bị cáo cho rằng mình không phạm tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, chỉ thiếu trách nhiệm để cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội.
VKS thấy rằng, để tạo điều kiện cho Dương phạm tội, bị cáo Vĩnh biết CNC có sai phạm nhưng không có biện pháp phòng ngừa.
Bị cáo Vĩnh và Hóa nhận được nhiều báo cáo hành vi sai phạm của CNC, nhưng vẫn cho phép vận hành thí điểm.
Phan Văn Vĩnh biết việc CNC tổ chức đánh bạc từ tháng 6/2016. Bên ngoài, Vĩnh chỉ đạo bóc gỡ, nhưng bên trong bị cáo tiếp tục ủng hộ công ty này tổ chức đánh bạc, chống lưng cho CNC, dù biết lãnh đạo Bộ yêu cầu phải dừng.
Phan Văn Vĩnh còn ký hợp thức công văn không số (sau này điền số) khi bị Thanh tra Tổng cục kiểm tra, che giấu sự đồng lõa.
Bị cáo có dấu hiệu nhận hối lộ hay không, đến thời điểm này VKS chưa chứng minh được, sẽ tiếp tục làm rõ ở giai đoạn sau.
Theo đại diện VKS, Nguyễn Thanh Hóa là cấp dưới, có trách nhiệm thực hiện mệnh lệnh của bị cáo Vĩnh. Phan Văn Vĩnh cho rằng bút phê của mình là chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới, do đó Hóa không thực hiện mệnh lệnh thì bị cáo Vĩnh có quyền xử lý.
Điều này cho thấy Vĩnh là người cầm đầu chỉ huy trong việc bao che, tạo điều kiện cho CNC tổ chức đánh bạc.
Việc xem xét xử lý đối với bị cáo Vĩnh mới dừng lại ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về tình tiết tăng nặng, ngoài các tình tiết tăng nặng định khung, Vĩnh không phải chịu.
Về tình tiết giảm nhẹ, đại diện VKS cho rằng tại tòa bị cáo không thành khẩn, cho rằng bản thân chỉ gián tiếp thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn. Do vậy, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, mới chỉ ăn năn hối cải khi nhận hành vi của mình gây ra đau khổ cho biết bao gia đình.
Đại diện VKS cũng xem xét tình tiết giảm nhẹ khi Phan Văn Vĩnh có nhiều thành tích lúc còn công tác.
VKS đề nghị xử phạt bị cáo Vĩnh 7 năm - 7 năm 6 tháng tù tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.