Không rõ vì sao?
Vừa qua, báo TN&MT đã đăng tải hai bài viết: Ngườiđã khuất… vẫn ký giấy bán đất? và Tiếp vụ người chết vẫn kí giấy bán đất: Vẫn "điệp khúc" đúng quy trình. Hai bài viết phản ánh khiếu nại của hơn 100 hộ dân thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội liên quan tới hợp đồng thuê đất giữa các hộ dân với công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà (sau đây gọi tắt là công ty Hoàng Hà). Cụ thể, người dân nơi đây cho rằng công ty Hoàng Hà đã làm giả toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của từng hộ dân với công ty này nhằm chiếm đoạt gần 5 ha đất.
Tuy nhiên suốt từ năm 2017 tới nay, từ huyện Thanh Trì cho tới Sở TN&MT TP. Hà Nội đã nhiều lần ban hành văn bản trả lời người dân nhưng kết luận chung vẫn khẳng định công ty Hoàng Hà đã làm đúng các quy định của pháp luật. Trong khi đó, mấu chốt vấn đề là xác minh ai đã giả chữ ký của người dân để ký vào hợp đồng bán đất cho công ty Hoàng Hà (trong đó có những người đã chết, có những người chưa đủ năng lực dân sự, có những người mù chữ … cũng kí tên) thì các cơ quan hữu quan lại đùn đẩy trách nhiệm và cho rằng không thuộc thẩm quyền của mình.
Nhằm rộng đường dư luận, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Hoàng Mạnh Hiền, Phó giám đốc công ty Hoàng Hà để làm rõ những thắc mắc nêu trên. Tại buổi làm việc, ông Hiền cho biết: “Năm 2007, công ty chúng tôi đã thành lập tổ công tác do PGĐ công ty lúc đó là ông Nguyễn Trác Đãng làm tổ trưởng. Tổ công tác được phân công phụ trách toàn bộ vấn đề kí kết hợp đồng mua bán đất với 225 hộ dân ở thôn 3, xã Vạn Phúc. Sau khi hoàn tất việc kí kết, chúng tôi đã làm các thủ tục liên quan đề nghị thành phố Hà Nội cho chuyển mục đích sử dụng đất để làm bãi chứa vật liệu xây dựng như hiện nay”.
Trả lời câu hỏi liên quan tới ý kiến người dân cho rằng tất cả chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng là giả mạo (trong đó có người đã chết, người mù chữ và người chưa đủ tuổi thành niên cũng kí tên bán đất), ông Hiền nói: “Sự việc đó chúng tôi cũng không rõ bởi tất cả thành viên trong tổ công tác lúc đó đều đã chuyển công tác hết rồi. Đến nay không còn người đối chiếu. Chúng tôi cũng gọi cho ông Nguyễn Trác Đãng, người từng là phó giám đốc công ty trước đây để hỏi thì ông Đãng cho biết tất cả đều làm rất chuẩn chỉ, không có vấn đề gì. Chúng tôi cũng mời tổ công tác trước đây về để làm rõ vấn đề nêu trên nhưng họ không chịu về. Chúng tôi cũng không biết làm cách nào. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, trong câu chuyện sai sót của hợp đồng nói trên, có ẩn tình nào đó chăng?”.
Lãnh đạo công ty Hoàng Hà nói gì?
Mặc dù ông Hoàng Mạnh Hiền luôn cho rằng, tổ công tác phụ trách việc kí kết hợp đồng mua bán đất với 225 hộ dân tại xã Vạn Phúc đã chuyển công tác nên không còn người đối chứng nhưng các hồ sơ mà ông Hiền cung cấp cho PV lại chứng minh rằng, ông Hiền đang “giấu đầu hở đuôi”.
Cụ thể, trong những hợp đồng mua bán đất giữa người dân và công ty mà PV được cung cấp, tất cả đều có chữ ký của ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc công ty hiện nay (ông Lâm là người đại diện công ty kí vào hợp đồng chuyển nhượng và biên bản nhận tiền bồi tường và bàn giao mặt bằng giữa công ty với từng hộ dân). Ấy vậy mà ông Hoàng Mạnh Hiền vẫn nhất mực khẳng định, tất cả thành viên tổ công tác trước đây đều chuyển công tác nên không có người đối chứng?
Hơn nữa, tại buổi làm việc, ông Hiền luôn cho rằng công ty đã làm việc rất khách quan vì tất cả những buổi họp bàn triển khai kế hoạch kí kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa công ty với các hộ dân đều được tổ chức công khai, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền thôn, xã Vạn Phúc. Ông Hiền cũng cung cấp các biên bản làm việc đó cho PV. Tuy nhiên sau khi xem các hợp đồng nói trên, điều dễ nhận thấy là các biên bản không hề có chữ ký của người dân mà chỉ có chữ ký của đại diện công ty Hoàng Hà, đại diện lãnh đạo xã Vạn Phúc , đại diện thôn 3 …
Trả lời thắc mắc này, ông Hiền cho biết: “Đáng lý ra biên bản họp phải có chữ ký của các hộ dân hoặc đại diện các hộ dân nhưng có thể trình độ của cán bộ làm biên bản có hạn nên họ không để ý dẫn đến sơ suất như vậy. Mặc dù thế, về bản chất là công ty mua đất của người dân. Chúng tôi có chứng từ đoàng hoàng”.
Không rõ công ty Hoàng Hà làm việc minh bạch, đoàng hoàng đến đâu nhưng chính ông Hoàng Mạnh Hiền thừa nhận tại buổi làm việc: “Từ sau khi phát sinh khiếu nại của người dân với công ty, tôi luôn là người đại diện cho công ty đến gặp gỡ, đối thoại với bà con. Trên dưới tổng cộng phải đến 10 lần”. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Hoàng Văn Lâm không ra mặt đối thoại với dân mà đẩy cho ông Hoàng Mạnh Hiền - một người không có liên quan gì tới vấn đề này? Rõ ràng ông Lâm là người kí kết mọi văn bản với dân, ông cũng là người nắm rõ sự việc nhất nhưng tại sao ông lại né tránh? Thậm chí khi cơ quan báo chí đến đặt lịch làm việc, muốn gặp trực tiếp ông Hoàng Văn Lâm – người trực tiếp kí các hợp đồng chuyển nhượng đất với dân (mà người dân cho là giả mạo – PV) – ông Lâm tiếp tục né tránh và đẩy cho cấp dưới trả lời.
Không rõ ông Hoàng Văn Lâm quá bận rộn hay vì còn những lý do nào khác nữa?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc