Vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hơn 200 hộ dân ở Thanh Trì, Hà Nội: Tại sao công ty Hoàng Hà phải “cố đấm ăn xôi”?

19/09/2018 13:03

(TN&MT) – Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là tại sao công ty Hoàng Hà lại quan tâm tới vị trí đất tại thôn 3 xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội đến thế? Rõ ràng, vị trí này xa trung tâm, nếu chỉ đơn thuần để làm bãi chứa vật liệu xây dựng thì có lẽ công ty Hoàng Hà cũng không phải hao tâm tổn sức để hợp thức hóa 5 ha đất của mấy trăm hộ dân nơi đây đến như vậy.

Thời gian qua, báo TN&MT đã đăng tải loạt bài viết phản ánh khiếu nại của hơn 100 hộ dân thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội liên quan tới việc công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (sau đây gọi tắt là công ty Hoàng Hà) làm giả hồ sơ, giấy tờ để chiếm đoạt gần 5 ha đất của các hộ dân. Cụ thể, người dân cho rằng công ty này đã làm giả toàn bộ hồ sơ để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các hộ dân trong khi họ hoàn toàn không hề biết đến sự tồn tại của loại hợp đồng này.
 

nguoi chet ban dat, bai 4
Những chiếc máy xúc đang miệt mài làm việc tại khu đất mà người dân cho rằng công ty Hoàng Hà chiếm đoạt của họ

Bằng chứng mà người dân cung cấp cho phóng viên thấy rằng, trong hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên, có những người đã chết, có những người chưa đủ năng lực dân sự, có những người mù chữ … nhưng vẫn kí tên bán đất. Câu hỏi đặt ra là tại sao câu chuyện ban đầu chỉ là công ty Hoàng Hà thuê đất của người dân trong 14 năm để lập bãi tập kết vật liệu xây dựng nhưng cuối cùng lại thành vấn đề chuyển nhượng, mua bán đất? Và tại sao công ty Hoàng Hà lại tha thiết với vị trí khu đất này đến như vậy?

Theo tìm hiểu của PV, công ty Hoàng Hà là chủ đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng, bất động sản lớn như: Khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai); Khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy); Dự án mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Khu đô thị Đại Kim; Dự án nhà ở cán bộ chiến sỹ công an quận Hoàng Mai; Dự án BT xây dựng đường vành đai 2,5 … Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng nguyên, vật liệu xây dựng để phục vụ công tác xây dựng hạ tầng của công ty này rất lớn.

Ấy nhưng tại sao công ty Hoàng Hà phải nhất định thuê bằng được vị trí đất tại thôn 3 xã Vạn Phúc và cố gắng mở rộng diện tích thuê tối đa có thể? Có mặt tại khu vực nêu trên, PV nhận thấy nó có vị trí chiến lược trong việc kết nối hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ. Cụ thể, hơn 5 ha đất mà người dân xã Vạn Phúc cho rằng công ty Hoàng Hà đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt nằm sát mép nước sông Hồng, ngay gần bến đò Vạn Phúc. Đây là nơi rất thuận lợi để tập kết vật liệu xây dựng như: cát, sỏi, đá … và có thể dễ dàng vận chuyển vào trong nội đô.

Một thông tin rất đáng chú ý nữa là đoạn sông Hồng chảy qua xã Vạn Phúc cũng là địa điểm mà hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra khá tấp nập. Mấy năm gần đây, báo chí đồng loạt nêu tên những điểm “đen” về tình trạng khai thác cát trái phép, trong đó luôn có sự “góp mặt” của xã Vạn Phúc. Và dù trực tiếp hay gián tiếp thì nguồn cung mặt hàng cát xây dựng tại khu vực này rất dồi dào.
 

nguoi chet van ban dat bai 4
Hợp đồng Sở TN&MT Hà Nội đồng ý cho công ty Hoàng Hà thuê đất để mở Bãi chứa VLXD

Cũng theo quan sát của PV, 5 ha đất mà người dân xã Vạn Phúc cho rằng công ty Hoàng Hà đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt của họ hiện đã được dựng tường bao bằng cột bê tông và dây thép gai. Bên trong là những bãi cát rộng mênh mông mà không rõ công ty Hoàng Hà mua của đơn vị nào? Ở đó, những chiếc máy xúc đang miệt mài làm việc, múc cát lên thùng của những chiếc xe vận tải cỡ lớn chạy rầm rập liên tục suốt ngày.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thắng – một trong những người được hơn 100 hộ dân ủy quyền gửi đơn phản ánh cho biết: “Năm 2003 công ty Hoàng Hà thuê đất của chúng tôi với thời hạn là 14 năm, nói là để làm bãi chứa vật liệu xây dựng nhưng lại không làm gì cả. Họ cho người trồng ngô như chúng tôi. Sở dĩ người dân ở đây không muốn cho thuê nhưng giám đốc công ty này là ông Hoàng Văn Lâm là người cùng làng, vốn không xa lạ gì nhau. Thời điểm công ty Hoàng Hà thuê đất của chúng tôi, họ đi từng nhà để vận động, thuyết phục mãi chúng tôi mới đồng ý”.

Bà Lã Thị Tám – một hộ dân bị mất đất cho biết thêm: “Những năm gần đây, điểm tập kết vật liệu này hoạt động mạnh. Những xe vận tải cỡ lớn hoạt động rầm rập suốt ngày, chở cát vào trong nội đô. Các anh nhìn là thấy, công ty này cho người múc cát tạo thành những hố sâu như thế kia. So với hiện trạng đất ban đầu, hiện khu đất đã thay đổi nhiều”.

Như vậy có thể thấy, việc công ty Hoàng Hà nhắm tới vị trí đất ở thôn 3 xã Vạn Phúc không hề ngẫu nhiên một chút nào. Tuy nhiên, việc "hô biến" từ hợp đồng thuê đất 14 năm thành hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa công ty Hoàng Hà với người dân đòi hỏi sự tham gia của nhiều phía chính quyền, đặc biệt là chính quyền xã Vạn Phúc. Vậy thì lãnh đạo xã Vạn Phúc trước đây và hiện nay có liên quan gì tới quy trình nêu trên?

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hơn 200 hộ dân ở Thanh Trì, Hà Nội: Tại sao công ty Hoàng Hà phải “cố đấm ăn xôi”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO