Vụ "bầu" Kiên sang ngày xét xử thứ 3: Tiếp tục xét hỏi về hành vi “kinh doanh trái phép”

23/05/2014 00:00

(TN&MT) - Kết thúc ngày xét xử thứ 2 (21/5), Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn đang tiến hành phần xét hỏi liên quan tới hành vi “kinh doanh trái phép”...

   
(TN&MT) - Kết thúc ngày xét xử thứ 2 (21/5), Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn đang tiến hành phần xét hỏi liên quan tới hành vi “kinh doanh trái phép”, vì vậy HĐXX thông báo ngày hôm nay (22/5), tòa sẽ tiếp tục dành thời gian cho nội dung xét hỏi “bầu” Kiên và những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan tới hành vi này. Theo cáo trạng, “bầu” Kiên bị truy buộc “kinh doanh trái phép” thông qua mở và làm chủ 6 công ty.
   
   
  Cụ thể: Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam), do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội Đồng quản trị (HĐQT). Ngày 30/11/2009, Tổng giám đốc công ty này là ông Lê Quang Trung ký thỏa thuận với Vietbank, qua đó Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB. Theo thỏa thuận này, Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.
   
  Thực hiện thỏa thuận này, ngày 1/12/2009, Thiên Nam đặt 5 lệnh bán 6.250 Ounce vàng để tất toán trạng thái mua 6.250 Ounce vàng; Ngày 5/12/2009, HĐQT Thiên Nam ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện giao dịch trạng thái vàng thông qua hệ thống điện thoại ghi âm tại Ngân hàng ACB; Ngày 10/12/2009 Thiên Nam ký hợp đồng giao dịch vàng trạng thái với Ngân hàng ACB với qui mô giao dịch là 150.000 Ounce, hạn mức chặn lỗ là 10.000 USD. Cùng ngày 10/12, Nguyễn Đức Kiên đặt 1 lệnh mở bán trạng thái vàng với số lượng 45.000 Ounce, trị giá 52.677.000 USD.
   
  Liên tục các ngày sau đó (5/2; 1/3; 27 và 28/3/2010) Nguyễn Đức Kiên đặt các lệnh mở bán, mua trạng thái vàng với số tiền hàng chục ngàn USD mỗi giao dịch.
   
  Do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài nên ngày 30/7/2010, Thiên Nam phải đặt 49 lệnh ủy thác mua tổng số 150.000 Ounce vàng, trị giá 175,455.000 USD nhằm tất toán toàn bộ trạng thái vàng tài khoản ở ngoài của Thiên Nam.
   
  Tính từ ngày 30/11/2009 đến ngày 30/7/2010, Công ty Thiên Nam đã tiếp nhận và thực hiện việc mua, bán trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài tổng số 462.500 Ounce, trị giá 512.915.325 USD, tương đương 9.796.682.707.500 đồng.
   
  Sau khi tất toán kinh doanh trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài, Thiên Nam lỗ trên 413 tỉ đồng, Ngân hàng ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ này và ghi nợ phải thu của Công ty Thiên Nam.
   
   
  Ngoài ra Thiên Nam cũng kinh doanh trạng thái vàng trong nước với Ngân hàng ACB. Cụ thể là ngày 10/12/2009, Thiên Nam đặt lệnh bán 37.500 lượng vàng SJC trị giá 980 tỉ đồng; Ngày 30/7/2010 đặt lệnh mua 37.500 lượng vàng SJC trị giá 1 nghìn 200 tỉ đồng. Thiên Nam bị lỗ hơn 19 tỉ đồng.
   
  Theo Cơ quan chức năng, Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật phẩm và vàng trạng thái nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Thiên Nam ký hợp đồng với Ngân hàng ACB kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản trong và nước ngoài với khối lượng giao dịch mua bán là 462.500 Ounce; 75.000 lượng vàng SJC trị giá trên 11 nghìn tỉ đồng và Thiên Nam lỗ trên 433 tỉ đồng và đã được Ngân hàng ACB cho nhận nợ đến năm 2015.
   
  Ngoài cáo buộc “bầu” Kiên kinh doanh trái phép vàng, hiện Tòa đã bắt đầu vào ngày xét xử thứ ba, trong ngày xét hỏi này, HĐXX cũng sẽ truy hỏi “bầu” Kiên và những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan về hành vi kinh doanh tài chính trái phép thông qua việc “bầu” Kiên mở 5 công ty là Á Châu Hà Nội; Đầu tư Á Châu; Đầu tư ACB Hà Nội; Tập đoàn tài chính Á Châu và Công ty B&B…
   
  Bài & ảnh: Tân Châu – Thắng Minh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ "bầu" Kiên sang ngày xét xử thứ 3: Tiếp tục xét hỏi về hành vi “kinh doanh trái phép”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO