Vụ 22 giáo viên bị mở thẻ tín dụng: Vụ việc có dấu hiệu chìm xuồng

20/05/2018 18:39

(TN&MT) - Không có nhu cầu mở thẻ tín dụng ngân hàng, không cung cấp hồ sơ pháp nhân, chữ ký, nhưng bỗng dưng 22 giáo viên, cán bộ Trường Trung học Phổ thông Lý...

(TN&MT) - Không có nhu cầu mở thẻ tín dụng ngân hàng, không cung cấp hồ sơ pháp nhân, chữ ký, nhưng bỗng dưng 22 giáo viên, cán bộ Trường Trung học Phổ thông Lý Tử Tấn đã bị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiền Phong thông báo khoản nợ lên tới hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ việc đến nay đang có dấu hiệu chìm xuồng! 

Chuyện thật như đùa

Cuối năm 2017, 22 giáo viên và cán bộ Trường trung học phổ thông Lý Tử Tấn (Trường cấp 3 Lý Tử Tấn), huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội nhận được thông báo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiền Phong (TPBank) số nợ phát sinh thẻ tín dụng lên tới 512 triệu đồng. Đặc biệt, có thẻ tín dụng lên tới vài chục triệu đồng.

Tuy nhiên, 22 giáo viên trước đó không hề gặp nhân viên TPBank hay có ý tưởng mở tài khoản thẻ tín dụng tại ngân hàng này. Vậy nguyên nhân do đâu, phải chăng nhân viên TPBank có “tay trong” với cán bộ Trường cấp 3 Lý Tử Tấn?

Nếu không có tay trong, thử hỏi làm cách nào mà cán bộ TPBank và đối tượng đứng ra làm thẻ “trui” cho 22 cán bộ giáo viên lại có hồ sơ: Giấy tờ về nhân thân, hợp đồng lao động, quyết định xếp ngạch viên chức, sao kê bảng lương, số điện thoại để liên hệ… và thông tin của kế toán, văn thư của trường.
anh
Biên bản cuộc họp liên quan vụ 22 giáo viên, cán bộ bị mở thẻ tín dụng tại TPbank sai quy định

Sau khi vụ việc vỡ lở, Công an huyện Thường Tín, đại diện TPBank, đại diện lãnh đạo Trường cấp 3 Lý Tử Tấn, 22 cán bộ giáo viên đã họp và xác định được bà Đặng Thị Hoa (người lạ, không liên quan gì tới Trường cấp 3 Lý Tử Tấn, tuy nhiên theo nguồn tin riêng của phóng viên, phải có lãnh đạo phía Trường cấp 3 Lý Tử Tấn hậu thuẫn thì bà Hoa mới “sao chép” được toàn bộ hồ sơ trên chót lọt - pv) đã cấu kết với nhân viên TPBank để mở thẻ tín dụng sai nguyên tắc cho 22 cán bộ giáo viên nói trên.

Lúc này, 22 cán bộ giáo viên mới thở phào nhẹ nhõm, TPBank cũng quyết định không tiến hành thu khoản nợ tín dụng trên và đương nhiên bà Đặng Thị Hoa phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ dư nợ, lãi, phí phát sinh cho các thầy cô Trường cấp 3 Lý Tử Tấn.

Cần phải khởi tố?

Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng về quy trình, trình tự, thủ tục phát hành thẻ tín dụng, cụ thể, tại Khoản 5, Điều 10, Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng: Trước khi ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng, tổ chức phát hành thẻ yêu cầu chủ thẻ cung cấp đầy đủ các thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật. Ở đây, việc 22 giáo viên, nhân viên Trường cấp 3 Lý Tử Tấn không có nhu cầu, không trực tiếp làm thủ tục nhưng lại có thẻ và phát sinh nợ đã cho thấy nhiều “lỗ hổng” trong phát hành thẻ tín dụng tại Ngân hàng TP Bank; tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao đối với khách hàng.

Trong khi, hành vi giả mạo chữ ký của người khác là trái quy định của pháp luật và được quy định rất rõ tại Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999 (Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009)  quy định về Tội giả mạo trong công tác như sau: 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: A) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; B) Làm, cấp giấy tờ giả; C) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn…

Như vậy, có thể hiểu nhân viên TPBank đã cấu kết với bà Hoa để làm và cấp giấy tờ giả cho chính Ngân hàng TPBank để cấp mở thẻ tín dụng cho các giáo viên Trường cấp 3 Lý Tử Tấn mà không được sự cho phép và không có chữ ký thật của họ trong tất cả các giao dịch bắt buộc trước khi mở thẻ.
anh 1
Trường cấp 3 Lý Tử Tấn 

Một giáo viên xin dấu tên bức xúc: Họ đã xâm phạm đến quyền lời và đời tư của nhiều giáo viên, vụ việc may mắn đã được phát hiện sớm và số dư nợ lên đến trên 500 triệu đồng, cá biệt có thẻ tín dụng lên tới vài chục triệu. Nếu như TPBank không thông báo, hoặc thông báo chậm thì hậu quả khi đó thì ai chịu trách nhiệm, lúc đó đương nhiên là giáo viên chúng tôi phải chịu trách nhiệm.

Nhiều giáo viên đồng quan điểm, không thể nói chúng tôi chấm dứt việc kiện cao, hoặc không làm phức tạp vấn đề, trong khi một nửa sự thật vẫn chưa được làm rõ! Thử hỏi nếu như hành vi này không được ngăn chặn thì hậu quả về sau sẽ kinh khủng như thế nào? Hoặc biết đâu đấy, hiện có hàng trăm “thẻ tín dụng ma” đang được cán bộ ngân hàng cấu kết với nhiều cá nhân để trục lợi bất chính thì sao?

Trao đổi với TPBank, bà Nguyễn Thị Hoàn Vinh, Giám đốc truyền thông Trung tâm Truyền thông, Quản lý thương hiệu và Marketing cho biết, Ngân hàng hiện chưa xử lý cán bộ phụ trách mở thẻ tín dụng vụ 22 giáo viên Trường cấp 3 Lý Tử Tấn. Văn phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt nơi mở 22 thẻ tín dụng trên đến nay cũng mới dừng lại việc nhắc nhở. Vậy tại sao không xử lý đích đáng cán bộ tiếp tay cho người lạ mạo danh chữ ký, mạo danh cá nhân để mở thẻ tín dụng sai quy định tại TPBank? Lúc này bà Vinh cho biết thêm: Ngân hàng đang đợi kết luận từ phía Công an huyện Thường Tín. Với lại phía Ngân hàng tưởng vụ việc giữa 22 giáo viên đến nay đã xong. Việc bà Hoa đã bồi hoàn cho Ngân hàng khoản tiền 512 triệu cũng xong. Vậy là làm sai, mạo danh chữ ký, tiếp tay cho người ngoài để mở thẻ tín dụng chiếm đoạt tiền của người dân, đến khi phát giác chỉ cần khắc phục hậu quả là “hòa cả làng”?! Vụ việc đang có dấu hiệu chìm xuồng.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 22 giáo viên bị mở thẻ tín dụng: Vụ việc có dấu hiệu chìm xuồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO