Biến đổi khí hậu

Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm quy định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Việt Hải 20/07/2023 - 16:03

(TN&MT) - Đây là kết luận của Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an khi triển khai công tác kiểm tra trên địa bàn Vĩnh Phúc.

Nhằm nâng cao công tác phối hợp trong phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCTT và TKCN trên cả nước. Trong các ngày vừa qua, công tác kiểm tra được triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực hiện kiểm tra đối với Vĩnh Phúc, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT do Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác PCTT, TKCN tại Vĩnh Phúc.

Làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hải; đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường; cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan.

pho-chu-tich-ubnd-tinh-nguyen-van-khuoc-phat-bieu-tai-buoi-lam-viec.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước phát biểu tại buổi làm việc

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước, đây là dịp thuận lợi để Vĩnh Phúc khảo sát, nắm toàn bộ công tác PCTT, TKCN ở tất cả các địa phương, cơ quan chức năng, ban ngành liên quan; cũng là đợt “tập dượt” PCTT, TKCN đối với cán bộ và người dân Vĩnh Phúc.

Củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

Trong chương trình làm việc với huyện Vĩnh Tường, báo cáo của huyện cho biết, năm 2022, hiện tượng Enso, El nino, thời tiết, khí hậu như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn... có những diễn biến trái quy luật, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Theo số liệu thống kê, thiên tai làm ngập nước 480 nhà ở; ảnh hưởng đến hơn 2.680 ha lúa, hoa màu, thủy sản; làm chết 3.610 con gia súc, gia cầm. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, dẫn đến nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 1,4 độ C; lượng mưa tính đến cuối tháng 6 tại trạm Vĩnh Tường đạt 816mm, thấp hơn trung bình nhiều năm 150mm.

Để chủ động công tác PCTT, TKCN, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo thành lập, kiện toàn cơ quan Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch PCTT năm 2023. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCTT; rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng kế hoạch, phương án PCTT ở cấp huyện, cấp xã tương ứng với từng loại hình, các cấp độ rủi ro thiên tai, phương án hiệp đồng lực lượng và bổ sung vật tư, trang thiết bị phù hợp với thực tế của các địa phương, đơn vị... Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác khắc phụ hậu quả, tái thiết sau thiên tai; thu và nộp quỹ PCTT; PCTT theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt là xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT trên địa bàn huyện Vĩnh Tường vẫn gặp phải một số khó khăn, bất cập liên quan đến vi phạm hành lang đê; nhân lực làm công tác PCTT. Cùng với đó là khó khăn về kinh phí mua sắm vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ.

Chia sẻ với khó khăn địa phương đang phải đối mặt, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên đề nghị huyện Vĩnh Tường cần quyết liệt hơn nữa trong công tác PCTT và TKCN những tháng cuối năm; tăng cường kiểm tra, củng cố lại Ban Chỉ huy cấp xã; sẵn sàng các phương án PCTT trong mọi tình huống; thường xuyên chỉ đạo tập luyện, huy động tốt 28 đội cứu hộ, cứu nạn đã thành lập. Đối với vấn đề liên quan đến các dự án mua sắm trang thiết bị, đồng chí đề nghị UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể cấp huyện trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác truyền truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp ứng phó, phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, góp phần bảo đảm an toàn về người, tài sản của người dân.

Công tác phòng, chống thiên tai luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, trao đổi với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc dù ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới nhưng do nằm ở phía Tây Nam của dãy núi Tam Đảo nên vẫn là một trong những địa phương có lượng mưa lớn của cả nước.

Những năm qua, công tác PCTT luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu. Không chỉ chủ động đầu tư, tu bổ, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, an toàn đê điều, tỉnh còn thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập PCTT và TKCN tại các huyện, thành phố theo phương châm 4 tại chỗ. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết những năm gần đây liên tục diễn biến bất thường và cực đoan, những tổn thất, thiệt hại do thiên tai là không thể tránh khỏi. Năm 2022, các đợt mưa lớn cuối tháng 5 và mưa lớn do hoàn lưu bão số 2, bão số 3 đã làm 7 người chết; thiệt hại trên 16.000 ha lúa, hoa màu, thủy sản; gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường, khu vực trên địa bàn tỉnh.

Dự báo năm 2023, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai chưa gây ảnh hưởng nhiều, song trận mưa dông kèm theo lốc, sét hồi đầu tháng 5 đã gây một số thiệt hại về nhà ở, hoa màu tại huyện Tam Đảo và Bình Xuyên.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão, Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng phương án sẵn sàng đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra, quyết tâm bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy nhanh việc tuần tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các tuyến đường có nguy cơ bị hư hỏng, sụt lún, trơn trượt, chướng ngại vật chắn ngang đường, đồng thời, đánh giá nguy cơ sạt lở đất… để khi có mưa lũ xảy ra, chủ động bố trí, tăng cường lực lượng điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân di chuyển qua các điểm ngập sâu, nước chảy xiết, bảo đảm giao thông thông suốt.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức diễn tập ứng phó với thiên tai và TKCN có huy động nhiều lực lượng tham gia, nhất là lực lượng cấp cơ sở. Kịch bản diễn tập bảo đảm phải sát với thực tế tại địa bàn. Sau khi tham gia diễn tập, các lực lượng phải nắm vững nhiệm vụ, phương án cứu nạn, cứu hộ và có khả năng vận dụng linh hoạt vào tình huống thực tế.

Đặc biệt, quan tâm đầu tư, bổ sung phương tiện, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác PCTT cho lực lượng cơ sở như công an cấp xã, dân phòng, dân quân tự vệ… Thường xuyên tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCTT, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng này để có thể sử dụng thành thạo, phát huy tối đa hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị được trang cấp và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm yếu tố “thời gian vàng” trong công tác PCTT, cứu nạn, cứu hộ.

Một trong những biện pháp quan trọng đó là, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ huy, điều hành hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng, phương tiện, vật tư phục vụ công tác PCTT; tăng cường sử dụng các ứng dụng thông tin liên lạc như zoom, zalo… để kịp thời trao đổi thông tin, chỉ đạo trực tiếp đối với các địa bàn bị cô lập, khó tiếp cận.

Đánh giá cao công tác PCTT và TKCN của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên cho biết: Qua công tác kiểm tra, Vĩnh Phúc là địa phương thực hiện nghiêm các quy định về PCTT và TKCN trong chỉ đạo thực hiện cũng như trong triển khai thực hiện các chỉ đạo. Bên cạnh sự chủ động, các địa phương, cơ quan đã tăng cường phối kết hợp trong công tác phòng, chóng và diễn tập phòng, chống. Để chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều. Đặc biệt, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh cần chủ động khắc phục triệt để tồn tại, thực hiện nghiêm các quy định PCTT và TKCN; tăng cường đôn đốc, kiểm tra đối với cấp xã.

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Hồng Nguyên cũng đề nghị tỉnh sớm xây dựng cơ sở dữ liệu để thu thập thông tin cụ thể về cơ sở vật chất phục vụ công tác PCTT và TKCN tại các địa phương. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội trong công tác tìm kiếm cứu nạn; có kế hoạch bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa nước gần khu dân sinh, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm quy định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO