Viết tiếp "kỳ án" phá rừng ở Lâm Đồng: Những con số "nhảy múa"

20/06/2016 00:00

(TN&MT) - Nhiều dấu hiệu bất thường xung quanh vụ án này dường như đang đặt các cơ quan pháp luật huyện Lâm Hà vào thế khó…

 

(TN&MT) – Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà phiên tòa sơ thẩm vụ án “hủy hoại rừng”diễn ra ngày 3.6 vừa qua tại TAND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã buộc phải hoãn xét xử. HĐXX đã trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, bổ sung chứng cứ. Đây là lần thứ 2 cơ quan điều tra phải xác minh bổ sung nhằm củng cố chứng cứ trong vụ án này. Tuy nhiên, có quá nhiều dấu hiệu bất thường xung quanh vụ án này dường như đang đặt các cơ quan pháp luật huyện Lâm Hà vào thế khó…

Số liệu diện tích rừng bị phá và số lượng lâm sản bị thiệt hại nhảy múa
Số liệu diện tích rừng bị phá và số lượng lâm sản bị thiệt hại nhảy múa

Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, các cơ quan luật pháp ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Văn Tài (26 tuổi, thường trú thôn 2, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) về tội “hủy hoại rừng” theo điều 189 – Bộ luật Hình sự. Phạm Văn Tài đã bị tạm giam hơn 7 tháng qua, song quá trình tố tụng của các cơ quan liên quan đã cho thấy có quá nhiều bất cập, không đúng thực tế, xuất hiện nhiều mâu thuẫn giữa các lời khai và tài liệu trong vụ án. Trong đó, dễ thấy nhất là những con số luôn… nhảy múa, biến hóa một cách khôn lường qua các văn bản một cách vô căn cứ.

6,7,8 hay 9 người tham gia chặt cây rừng?

Trước hết, con số đương sự tham gia chặt hạ cây rừng mà tổ công tác Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh bắt quả tang lúc 14 giờ 30 ngày 24.4.2015, ông Hoàng Như Thanh – cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Lâm Hà – khai “bắt giữ 6 đối tượng; trong đó có 1 người Kinh (tức Phạm Văn Tài)  và 5 người là đồng bào dân tộc”.

Còn ông Hồ Nghĩa Nam – cán bộ Trạm QLBVR Phúc Thọ - lúc đầu khai “chúng tôi bắt quả tang 7 người…”, nhưng về sau lại khai chỉ có “ông Tài và 5 người đồng bào dân tộc”. Trong khi đó, quá trình xác minh vụ án, lời khai của những người dân tộc trực tiếp chặt phá rừng đều khai tổng cộng có 9 người tham gia (trong đó có Phạm Văn Tài và 8 người dân tộc). Và cuối cùng, con số này chốt lại tại các văn bản của cơ quan xử lý vụ việc cũng không thống nhất: Hạt Kiểm lâm Lâm Hà (6 người), Cơ quan CSĐT (8 người) và Viện KSND huyện Lâm Hà (9 người).

Vấn đề đặt ra, tại sao vụ vi phạm chặt phá rừng được bắt quả tang, nhưng tổ công tác lại không lập biên bản, không ghi nhận họ tên, tuổi, địa chỉ thường trú, lai lịch nhân thân… của tất cả những người bị bắt quả tang mà lại thả tất cả những người dân tộc về hết, chỉ bắt giữ mỗi Phạm Văn Tài? Tại sao cùng bắt quả tang một lúc  nhưng cơ quan chức năng chưa biết “ai là ai” mà đã nhanh chóng, vội vàng quy kết cho Tài chủ mưu?...

Hệ quả là sau này, con số thủ phạm phá rừng biến thiên… vô chừng (6,7,8,9). Liệu những cái tên mới bổ sung vào danh sách người phá rừng sau này, có đúng là thủ phạm phá rừng, hay nhằm động cơ đổ tội bằng được cho một người là Phạm Văn Tài?...

Dao phát cỏ đi rừng chỉ có thể chặt được những loại cây nhỏ như thế này....
Dao phát cỏ đi rừng chỉ có thể chặt được những loại cây nhỏ như thế này....

Con số thiệt hại cũng... “nhảy lambada”

Về con số diện tích rừng, số lâm sản bị thiệt hại cũng hết sức… “phong phú”. Minh chứng, tại “Bản mô tả chi tiết” số 5417/MTCT-VP, do Trạm QLBVR Phúc Thọ lập ngày 24.4.2015, thể hiện  diện tích rừng bị thiệt hại là 5.800 m2. Khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 5,57 m3 (trong đó, khối lượng gỗ tròn còn lại tại hiện trường là 2,92 m3 và khối lượng gỗ bị mất – nhưng lại không rõ ai lấy mất là 2,65m3).

Sau này, khi Công an huyện Lâm Hà vào cuộc xác minh, những con số trên đã đột ngột tăng vọt. Cụ thể: Diện tích rừng bị thiệt hại là 6.742 m2, thiệt hại lâm sản 119,33 m3 và giá trị thiệt hại hơn 245,2 triệu đồng(?). Cáo trạng của Viện KSND huyện Lâm Hà thì giảm khối lượng lâm sản bị thiệt hại xuống còn 97,08 m3 và giá trị thiệt hại chỉ còn là 151,5 triệu đồng. Vậy đâu là con số phản ảnh đúng thực tế? Biết tin vào con số nào đây?

Ngoài ra, con số thể hiện đường kính cây rừng bị chặt phá tại hồ sơ vụ án, nhằm làm chứng cứ kết tội Phạm Văn Tài cưa, chặt hạ cây rừng cũng … biến hóa khôn lường, giảm - tăng chóng mặt. Các đối tượng người dân tộc khai, họ chỉ chặt những cây nhỏ từ 7 – 10 cm, Tài dùng cưa tay cưa cây khoảng 15 – 20cm. Tuy nhiên, tại các biên bản xác định vị trí, khám nghiệm hiện trường, con số gốc cây bị đưa vào thuộc diện bị nhóm của Tài chặt hạ, ngoài những gốc cây có số đường kính trên, còn có những gốc cây mà đường kính lên tới 17cm, 27cm, 45,5cm và thậm chí là... 54cm?!.

Mặc dù cuối cùng, cáo trạng kết luận “Tài đã chỉ cho những người đồng bao dân tộc chặt hạ những cây rừng có đường kính khoảng từ 15cm đến 20cm, cao khoảng 6m, Tài cũng cầm cưa tay để cưa hạ cây rừng”. Tuy nhiên, trong “Bảng tính khối lượng lâm sản thiệt hại…” (97,08m3) – chi tiết hết sức quan trọng để kết tội bị can Tài về tội “hủy hoại rừng” -  Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh lại đưa cả những cây rừng “khủng”, có đường kính vượt con số mà Viện KSND huyện Lâm Hà kết luận, gồm các loại cây có đường kính 25cm, 27cm và 45,5cm, với chiều dài không còn 6m mà tăng vọt lên 6,8m, 9,1m, 10,84m và... 14,7m.

...chứ không thể chặt phá được cây rừng có đường kính lớn như thế này chỉ trong vòng 7 giờ đồng hồ
...chứ không thể chặt phá được cây rừng có đường kính lớn như thế này chỉ trong vòng 7 giờ đồng hồ

Chính những con số biến hóa theo chiều hướng tăng vọt này, không biết vô tình hay có chủ ý, đã làm gia tăng khối lượng và giá trị lâm sản bị thiệt hại lên rất nhiều, để khép tội bị can Phạm Văn Tài vào tội “hủy hoại rừng”. Thế nhưng, sự xuất hiện những gốc cây “khủng” có đường kính 27 – 45,5cm lại cho thấy dấu hiệu bất thường, phi lý. Bởi để chặt hạ những gốc cây ấy, thì cưa tay và dao phát cỏ là không thể chặt hạ được.

Câu hỏi đặt ra: Liệu với những con dao phát cỏ nhỏ nhắn ấy, Tài và những đối tượng kia có chặt hạ được những cây rừng có đường kính từ 40 - 54cm hay không? Liệu trong thời gian chỉ 7 giờ (từ 8h - 15h ngày 24.4.2015), các đối tượng có thể chặt hạ những cây gỗ lâu năm trên diện tích 6.742m2 đất rừng, với gần 120m3 gỗ?...

Hàng loạt những chi tiết tréo ngoe này, cũng như vô số vi phạm quy trình tố tụng đã xảy ra trong vụ án này. Dường như các cá nhân và tổ chức thực thi pháp luật huyện Lâm Hà đã có dấu hiệu cố tình “hợp thức hóa” hồ sơ, bất chấp vi phạm tố tụng nhằm tống bằng được bị can Tài vào tù.

Theo luật sư Đỗ Văn Bảy (Văn phòng luật sư Đỗ Bảy, Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng): “Việc Cơ quan Điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can Tài trên cơ sở có dấu hiệu sai lệch hồ sơ, thu thập chứng cứ buộc tội không đúng quy trình, dẫn tới việc khởi tố, bắt giam Tài không có cơ sở, vi phạm tố tụng về “xác định sự thật vụ án” và “thu thập, đánh giá chứng cứ” khiến vụ án kỳ quặc này cần phải được xem xét và đánh giá lại. Và, nếu thấy không đủ cơ sở buộc tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do ngay lập tức cho bị cáo Phạm Văn Tài”.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ “kỳ án” này.

Bài & ảnh: Trọng Mạnh 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp "kỳ án" phá rừng ở Lâm Đồng: Những con số "nhảy múa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO