Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để bảo tồn các loài bò sát và lưỡng cư tự nhiên

22/02/2019 15:19

(TN&MT) – Bên thềm hội nghị CITES lần thứ 18, Việt Nam đã đệ trình các đề xuất nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trong việc tăng cường bảo vệ một số loài rùa, cá cóc, thạch sùng một mí và cá cóc sần - hiện đang bị đe doạ bởi nạn buôn bán thú cưng quốc tế và tiêu thụ thực phẩm “độc, lạ” của dân Châu Á.

Hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) sẽ diễn ra tại thủ đô Colombo của Sri Lan ca từ 23/5 đến 3/6/2019.

Thiết lập các giải pháp mới bảo vệ ĐVHD

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, chung tay cùng thế giới xoá bỏ vấn nạn buôn bán ngà voi, sừng tê giác và các loài động vật khác. Cụ thể, trong năm 2018, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã điều tra, bắt giữ, khởi tố hàng chục vụ buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác với khối lượng lớn, tịch thu hàng trăm cá thể tê tê và nhiều cá thể động vật hoang dã nguy cấp khác.

Tuy nhiên, buôn bán quốc tế bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã; trong đó có voi, tê giác, tê tê đe doạ sự sinh tồn của loài;  khiến nhiều quần thể voi, tê giác, tê tê  tại Châu Phi và Châu Á bị suy giảm nghiêm trọng.

cá cóc Tam Đảo
Cá cóc Tam Đảo được đề xuất

Mặt khác, theo Tổ chức Quốc tế Đối xử Nhân đạo với Động vật (HIS), mỗi ngày, các hoạt động do con người gây ra như: mất môi trường sống, săn bắt trộm, buôn bán vì mục đích thương mại và biến đổi khí hậu đang đẩy các loài hoang dã quý hiếm đến bờ tuyệt chủng.

“Chúng ta không nên thoả mãn với thành quả đạt được trong công tác bảo tồn các loài hoang dã, vì vậy, chúng tôi hoan nghênh các đề  xuất của CITES nhằm thiết lập hoặc tăng cường các biện pháp bảo vệ mới. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia tăng cường tính hiệu quả của công tác bảo tồn nhằm đảm bảo các điều khoản hạn chế các tác động xấu được thiết lập sớm trước khi quá muộn”, Bà Kitty Block, Chủ tịch HIS kêu gọi.

6 đề xuất bảo vệ các loài bò sát và lưỡng cư tự nhiên

Bà Thẩm Thị Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Quốc tế Đối xử Nhân đạo với Động vật (HSI) tại Việt nam cho biết, 6 đề xuất của Việt Nam nhằm bảo vệ các loài bò sát và lưỡng cư tự nhiên khỏi vấn nạn nuôi thú cưng và nhu cầu sử dụng thực phẩm” độc lạ”, là một tín hiệu cho thấy Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo tồn loài và muốn đóng một vai trò quan trọng cùng các nước khác đấu tranh với nạn buôn lậu các loài hoang dã.

thạch sùng một mí
Việt Nam đề xuất đưa loại thạch sùng mí Hữu liên vào phụ lục II (cho phép buôn bán thương mại trong các điều kiện chặt chẽ) của CITES

Việt Nam muốn tăng cường bảo vệ cho 13 loài thạch sùng, 13 loài cá cóc và nhiều loài cá sần mà hiện là những loài mục tiêu cho trào lưu nuôi thú cưng khởi đầu từ những năm 1990. Hiện nay, nhu cầu tăng nhanh từ các nước Châu  Âu, Mỹ và Trung Quốc đối với các loài hiếm này cộng với lợi nhuận khổng lồ đã và đang tạo ra động lực cho những kẻ săn trộm và đẩy các loài này đến bờ vực tuyệt chủng. Các đề xuất của Việt Nam gồm:

3 đề xuất đề nghị đưa ba loài từ phụ lục II (cho phép buôn bán thương mại trong các điều kiện chặt chẽ) sang phụ lục I (kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn buôn bán quốc tế các mẫu vật vì mục đích thương mại)  gồm: Rùa hộp Việt Nam, Rùa Trung Bộ và Rùa hộp bua-rê (tên khác là rùa hộp trán vàng);

3 đề xuất chung với Trung Quốc và Liên minh Châu  Âu đề nghị đưa những loài sau vào phụ lục II (cho phép buôn bán thương mại trong các điều kiện chặt chẽ) của CITES: 13 loài Thạch sùng chi Gnoiuroseurus phân bố tại Việt Nam và Trung Quốc trong đó có 3 loài đặc hữu  của Việt Nam: thạch sùng mí Cát Bà; thạch sùng mí Hữu liên và thạch sùng mí lichtenfer; 13 loài cá cóc chi Paramesotriton phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc; Cá cóc sần giống Tylototriton gồm nhiều loài phân bố trong khu vực Đông Nam á và Trung Quốc.

 “Chúng tôi mong muốn được thông qua toàn bộ các đề xuất để giúp Việt Nam trong việc bảo vệ các loài bò sát, đặc biệt các loài rùa, lưỡng cư đặc hữu khỏi nạn buôn trái pháp luật trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát buôn bán quốc tế các mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp theo quy định của CITES”, Bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc cơ quan Quản lý CITES Việt Nam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để bảo tồn các loài bò sát và lưỡng cư tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO