Hình thành cơ chế hút vốn quốc tế
Theo Văn phòng REED+ Việt Nam, đến nay, Việt Nam đã tham gia vào sáng kiến REDD+ với 44 dự án lớn nhỏ, tổng giá trị tài trợ khoảng 84 triệu USD hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, thí điểm một số hoạt động, mô hình và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng thực hiện chi trả dựa theo kết quả REDD+ tại Việt Nam.
Việt Nam đã đáp ứng được 4 trụ cột cơ bản của REDD+ bao gồm xây dựng Chương trình quốc gia về REDD+ đến năm 2030; cơ sở dữ liệu nền thể hiện mức độ phát thải, hấp thụ khí nhà kính dùng để làm mốc đánh giá kết quả thực hiện REDD+; cổng thông tin REDD+ cập nhật diễn biến tài nguyên rừng ở cấp quốc gia và các vùng sinh thái; hệ thống thông tin đảm bảo an toàn nhằm xác nhận năng lực của các cơ quan, đơn vị liên quan của quốc gia thực hiện REDD+.
Theo bà Lâm Quỳnh Nhung, đại diện Văn phòng REDD+ Việt Nam, nước ta đã có những điều kiện cần để thực hiện REDD+. Vấn đề tiếp theo là kết quả quá trình đàm phán ở quy mô quốc tế nhằm khơi thông dòng tài chính phục vụ chi trả kết quả giảm phát thải tại Việt Nam. Trước mắt, Quỹ đối tác các bon Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới đặt mua 10,3 triệu tấn CO2 của Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2019 - 2024. Với giá tạm tính hiện tại là 5 USD/tấn CO2, khoản thu sẽ đạt khoảng 51 triệu đô la.
“Cánh cửa” kinh doanh tín chỉ các bon trong lâm nghiệp mở ra, đồng nghĩa với việc những nỗ lực kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng các bon rừng sẽ ngày càng được chú trọng. Sau 10 năm, tầm nhìn về rừng đã chuyển dần trọng tâm từ “nhiều rừng hơn” sang “rừng tốt hơn”. Điều này thể hiện trong Chiến lược Quốc gia về REDD+ và cụ thể hóa thành các Chương trình REDD+ cấp tỉnh, với những nội dung quan trọng là phải bảo vệ và phục hồi rừng, đi cùng với các giải pháp tích hợp sử dụng đất, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH và đảm bảo an toàn môi trường - xã hội.
Những địa phương triển khai REDD+ đã đạt được nhiều kết quả trong quản lý rừng bền vững, bảo vệ diện tích rừng hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ và giá trị của rừng, giảm phát thải khí nhà kính. Nhờ đó, REDD+ đã trở thành một trong những giải pháp nhằm thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về BĐKH và Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của Việt Nam.
Tăng cường tham gia của cộng đồng
Một trong những chuyển biến quan trọng nhất sau khi thực hiện REDD+ là việc thể chế hóa giá trị của rừng một cách toàn diện đã được chú trọng hơn và góp phần nâng cao vai trò của ngành lâm nghiệp. Luật Lâm nghiệp sửa đổi mới ban hành đã cho thấy rõ điều này khi đưa ra các quy định đảm bảo quyển sử dụng đất lâm nghiệp và rừng của cộng đồng sống trong và gần rừng, đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo ra nhiều cơ hội sinh kế từ rừng cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
Thời gian gần đây, không chỉ ở các quốc gia thực hiện REDD+ trên thế giới mà cả ở Việt Nam đều có những thay đổi trong cách tiếp cận thiết kế và thực hiện REDD+. Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của cách tiếp cận cảnh quan cấp vùng sinh thái và quản trị chia sẻ thích ứng, nhằm thúc đẩy các bên liên quan cùng hỗ trợ hoạt động sử dụng đất tích hợp, giải quyết vấn đề phá rừng dưới sức ép của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời, giải quyết tình trạng nghèo đói của người dân vùng rừng.
Từ thực tiễn triển khai REDD+ tại xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Đức Tố Lưu (Tổ chức PanNature) cho biết, các khu vực ưu tiên cho thực hiện REDD+ phần lớn là khu vực còn nhiều rừng tự nhiên tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách xa khu dân cư, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Khi xây dựng các giải pháp, mô hình sinh kế bền vững, các địa phương cần nghiên cứu nhu cầu của người dân một cách toàn diện. Như tại xã Hương Nguyên, vấn đề quan tâm trước tiên của họ không phải là bảo vệ rừng, mà là sẽ được hưởng lợi ích gì, có thể đáp ứng các nhu cầu về ăn, ở, học hành, mang lại giá trị gì về kinh tế cho gia đình, con cái họ hay không. Đây là động lực để người dân tham gia thực sự vào quá trình bảo vệ rừng, từ đó, giảm tác động tiêu cực lên rừng.
Theo ông Nguyễn Quang Tân, Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm quốc tế tại Việt Nam, hiện, Trung tâm đang phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá tiềm năng đóng góp của loại hình nông lâm kết hợp vào NDC của Việt Nam. Nông lâm kết hợp khá phổ biến tại Việt Nam và có tiềm năng hấp thụ các bon rất cao, gấp 4 -10 lần so với chỉ trồng rừng với cùng diện tích, tùy vào đối tượng cụ thể. Đây cũng là vấn đề cần tính đến trong REDD+ thời gian tới.