Việt Nam – Đức hướng trọng tâm hợp tác về phát triển bền vững

Khánh Ly| 12/11/2020 14:03

(TN&MT) - Quan hệ kinh tế - thuơng mại Việt - Đức trong bối cảnh thay đổi toàn cầu sẽ có nhều cơ hội và thách thức, đồng thời cũng có những vấn đề mới đặt ra cho phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn. Đây là trọng tâm của các tham luận tại Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Đức 2020, diễn ra ngày 12/11 tại Hà Nội.

Sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) của CHLB Đức tại Việt Nam và Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức (1975-2020).

Tham dự có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Ngài Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam; GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện FNF; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo cơ quan bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học…

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Khủng hoảng toàn cầu mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Năm 2020 là năm quan trọng của hai nước là năm cả Việt Nam và Đức đều đảm nhận những vị trí quan trọng tại các diễn đàn đa phương, bao gồm là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN và Đức là Chủ tịch EU nửa cuối năm 2020.

Năm nay cũng rất đặc biệt khi thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là Covid-19, dẫn đến suy thoái kinh tế và sự phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm nữa, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) chính thức có hiệu lực được xem là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, được kỳ vọng mở ra những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động ở Việt Nam và châu Âu.

Theo ông Tô Anh Dũng, Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao, với vai trò đầu tàu kinh tế của EU, sự tham gia tích cực của Đức trong triển khai EVFTA không chỉ góp phần nâng cao quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước mà còn có giá trị lan tỏa, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và EU. Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết trong EVFTA sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo hướng ngày càng thông thoáng, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp EU và Đức mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Ông Dũng chia sẻ, các nền kinh tế đang đứng trước nhu cầu phục hồi tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Các khuôn khổ hợp tác chất lượng cao như EVFTA là cơ hội để Việt Nam cùng với Đức và các đối tác EU thúc đẩy, mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại, góp phần tạo việc làm và khôi phục tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngài Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Ngài Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam chia sẻ, hai quốc gia đã có mối quan hệ đối tác bền chặt trên nhiều lĩnh vực, và rất tự nhiên sẽ cùng nhau khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các cuộc khủng hoảng chính là cơ hội để tái thiết lại nền kinh tế. Nếu tận dụng tốt thì đây sẽ là bước đi lớn để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nước Đức sẵn sàng hợp tác với Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội này.

Phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu

Cũng theo ngài Guido Hildner, các lĩnh vực mà hai nước có nhiều tiềm năng mở rộng quan hệ hợp tác là phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện hệ thống cung cấp năng lượng, kinh tế tuần hoàn và ứng phó biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững. Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, giao lưu trao đổi du học sinh là một trong những nội dung ưu tiên trong thời gian tới.

Viện FNF Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu Ấn phẩm song ngữ “Việt Nam và Đức: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”

Chia sẻ về định hướng chiến lược bảo vệ môi trường của Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh đến Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua. Luật có rất nhiều điểm mới, phù hợp với tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước, với chủ trương không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn bó hài hòa với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Luật sẽ quy định nhiều chính sách mà các doanh nghiệp Việt Nam và Đức đang quan tâm như: bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch; năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế xanh; kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải, cũng như các chính sách ưu đãi về thuế, giá, phí bảo vệ môi trường…

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chỉ ra các cơ hội cho Việt Nam phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Đây là xu hướng chung của toàn cầu và được chứng minh thành công ở nhiều nơi, do đó Việt Nam có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm quốc tế.

Phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội, vì giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững, phát triển kinh tế bền vững. Việc khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ tạo nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây. Những yếu tố trên tạo động lực thúc đẩy cơ hội hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn giữa Việt Nam và Đức trong các lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sạch, tái chế; xây dựng hệ thống luật và chính sách kinh tế tuần hoàn; kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bao bì, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tại diễn đàn, Viện FNF Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu Ấn phẩm song ngữ “Việt Nam và Đức: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” (Vietnam und Deutschland: nachhaltige Entwicklung im Kontext des globalen Wandels) do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu và GS.TS. Andreas Stoffers đồng chủ biên. Cuốn sách tổng kết nhiều khía cạnh khác nhau trong quan hệ giữa Đức và Việt Nam kể từ năm 1975 với nhiều sự kiện và hoạt động tích cực trên nhiều phương diện như kinh tế, nghệ thuật, văn hoá…

Kim ngạch thương mại hai nước những năm gần đây tăng trưởng bình quân trên 10%/năm và đã đạt trên 10 tỷ USD, tăng hai lần so với năm 2010. Đức là cửa ngõ chính giúp hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường EU với 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU được tiến hành thông qua thị trường Đức. Đồng thời, Việt Nam là cầu nối để hàng hoá "Made in Germany" thâm nhập thị trường ASEAN.
Về đầu tư, Đức đứng thứ 18 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với khoảng 300 doanh nghiệp và hơn 360 dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hoá chất, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng thông minh... có tổng giá trị vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam – Đức hướng trọng tâm hợp tác về phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO