Trong dịp này, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Công Thành, Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghi lễ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Viện.
Tham dự sự kiện còn có các đồng chí nguyên Thứ trưởng: Nguyễn Công Thành, Nguyễn Linh Ngọc, Chu Phạm Ngọc Hiển; các Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu là GS.TS Mai Trọng Nhuận và GS.TS Thần Thục; Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường và đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; các nhà khoa học lâu năm trong ngành Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; nguyên lãnh đạo, cán bộ lão thành cùng toàn thể cán bộ, người lao động của Viện Khoa học KTTV&BĐKH.
Viện đầu ngành về khoa học khí hậu
Điểm lại một số nét về quá trình 45 năm xây dựng và phát triển của Viện, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện KH KTTV&BĐKH cho biết, giai đoạn 1977 - 1995, Viện Khí tượng thủy văn được thành lập ban đầu với 10 đơn vị nghiên cứu và chuyên môn, Đoàn Khảo sát Đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, Đoàn Khảo sát Thủy văn Đồng bằng sông Cửu long và Phân viện KTTV phía Nam.
Giai đoạn 1996 - 2001, do có sự sát nhập của các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV nên các phòng chuyên môn hợp nhất thành các Trung tâm Nghiên cứu mạnh. Năm 1996, Viện KTTV được công nhận là một trong 41 Viện đầu ngành của Nhà nước theo Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 24/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2002 - 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập, Viện trở thành đơn vị trực thuộc Bộ. Tổ chức bộ máy chuyên môn của Viện tiếp tục duy trì và hình thành thêm một số đơn vị. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 18/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Viện có thêm nhiệm vụ nghiên cứu về môi trường và tài nguyên nước và được đổi tên thành Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường.
Khoa học biến đổi khí hậu cũng được coi là thế mạnh của Viện thông qua sự công nhận của cộng đồng khoa học và cơ quan quản lý. Năm 2014, Viện đổi tên thành Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tại Quyết định số 74/QĐ-TTg ngày 13/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2018 đến nay, Viện đã kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản biên chế và giảm các đầu mối. Lực lượng cán bộ của Viện ngày càng tăng cường cả về chất là lượng, với 38 tiến sĩ, trong đó có 1 Giáo sư, 7 Phó giáo sư; 72 Thạc sĩ; gần 70 kỹ sư và cử nhân, cùng với các cán bộ chuyên môn và kỹ thuật khác. Đội ngũ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu trong nghiên cứu và đào tạo phục vụ ngành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như các dịch vụ tư vấn đa dạng khác về khí tượng, thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu và các dạng tài nguyên.
“Viện KTTVBĐKH rất tự hào về lực lượng cán bộ của Viện. Qua các thời kỳ phát triển, lực lượng cán bộ của Viện đã lớn mạnh không ngừng. Nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của ngành, nhiều nhà khoa học đầu ngành có uy tín, nhiều cán bộ chuyên môn giỏi đã trưởng thành hoặc đã từng công tác ở Viện. Những kiến thức khoa học, những dấu ấn kinh nghiệm nghiên cứu, quản lý của nhiều thế hệ đã tạo nên bề dày của Viện. Kết hợp với những tư duy, những kiến thức, công nghệ mới, thế hệ hiện nay tiếp tục đóng góp vào những thành tựu trong nghiên cứu, đào tạo và tạo đà phát triển mới cho Viện” – Phó Viện trưởng Huỳnh Thị Lan Hương chia sẻ.
Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu từng vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhất lần đầu vào năm 2012, Huân chương Lao động hạng Ba cho Phân viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu năm 2013. Dịp chào mừng 45 năm thành lập này, Viện lại vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 do Chủ tịch nước trao tặng.
Bề dày thành tựu với nhiều đóng góp cho phát triển
Với truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Viện KTTVBĐKH đã chủ trì 2 Chương trình nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước như Chương trình “Cân bằng nước và tài nguyên nước mặt Việt Nam”, “Khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng các khu vực và lãnh thổ”. Ngoài ra, Viện KTTVBĐKH đã thực hiện hơn 400 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) các cấp, trong đó, có trên 50 đề tài thuộc các Chương trình cấp Nhà nước.
Các kết quả nghiên cứu đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, đã được công bố trên gần 200 bài báo quốc tế, 700 bài báo trong nước, 50 sách chuyên khảo, đồng thời, đã và đang được ứng dụng trong các đơn vị trong và ngoài Bộ, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Một bước phát triển đáng kể của Viện, đó là thực hiện nghiên cứu dự báo bằng phương pháp số trị và ra các bản tin dự báo, thông báo khí hậu định kỳ. Viện đã chuyển giao một số mô hình số trị để dự báo thời tiết và bão, dự báo khí hậu, dự báo thủy văn và hải văn cho các địa phương để cùng áp dụng vào nghiệp vụ dự báo khí tượng thủy văn. Thông qua các đề tài, dự án, Viện đã tổ chức nhiều khóa tập huấn để đào tạo cán bộ ở các địa phương.
Thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu, các công trình, dự án lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia, Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đơn vị nghiên cứu đầu ngành của Bộ TN&MT. Các nghiên cứu của Viện đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về kết quả hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, trong 45 năm qua, Viện KTTVBĐKH đã thiết lập được quan hệ hợp tác bền vững về khoa học, công nghệ và đào tạo với rất nhiều tổ chức quốc tế và các nước như: WMO, UNDP, GEF, UNEP, UNFCCC, WB, Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC), Chương trình Thủy văn quốc tế, Mạng lưới giám sát lắng đọng axít vùng Đông Á (EANET); thực hiện hợp tác song phương với các nước: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Úc, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch, CHLB Đức, Anh, các nước ASEAN…
Qua đó, Viện KTTVBĐKH đã thu hút được nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm và các thành tựu khoa học quốc tế, tập trung vào các vấn đề: Các nghiên cứu cơ bản về khí tượng, khí hậu, thủy văn; tăng cường năng lực và công nghệ dự báo; tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, đánh giá các tác động của BĐKH đến các lĩnh vực, ngành, địa phương tại Việt Nam.
Việc chủ động trong các hoạt động HTQT về đào tạo và khoa học công nghệ đã đem lại hiệu quả thiết thực trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, đào tạo đội ngũ cán bộ và giải quyết một số vấn đề KHCN mới mà Việt Nam chưa có hoặc còn yếu như dự báo bằng các mô hình số trị, biến đổi khí hậu, công nghệ mới. Những năm gần đây, Viện đã hoàn thành nhiều dự án hợp tác quốc tế và được đánh giá cao về kết quả đạt được.
Là Viện chuyên ngành lớn của cả nước, Viện KTTVBĐKH cũng thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ cao cho toàn ngành. Từ năm 1982, sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học bậc Tiến sĩ, đến nay, Viện đã đào tạo được hơn 80 tiến sĩ cho toàn ngành thuộc các lĩnh vực Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Hải dương học, Quản lý Tài nguyên và môi trường, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (nay là ngành Biến đổi khí hậu). Nhiều người đã trở thành các nhà khoa học có uy tín trong ngành.
Trong suốt quá trình hoạt động 45 năm qua, Viện Khoa học KTTVBĐKH đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng do Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT trao tặng. Đây là những phần thưởng cao quý, sự ghi nhận những thành tựu và đóng góp của Viện.
Đẩy mạnh những nghiên cứu mang tính đột phá
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những phát biểu mang tính xây dựng, nêu bật những đóng góp của Viện cho khoa học Trái đất nói chung và hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực TN&MT nói riêng.
Các đại biểu cũng kỳ vọng Viện sẽ tiếp tục trở thành nơi hội tụ tinh hoa của các nhà khoa học trong lĩnh vực KTTV&BĐKH để giải quyết yêu cầu cấp bách hiện nay về những thách thức ngày càng gia tăng do biến đổi toàn cầu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, Chiến lược phát triển ngành KTTV…; tiếp tục đào tạo đội ngũ khoa học mạnh, tâm huyết với ngành, bắt kịp những thay đổi ngày càng to lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành đã biểu dương, chúc mừng tập thể Viện Khoa học KTTV&BĐKH vì những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Những thành quả lao động sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện đã đóng góp vào sự phát triển của ngành TN&MT nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Để phát huy các thành quả đạt được, Thứ trưởng đề nghị, Viện xây dựng chiến lược phát triển có lộ trình phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới; tăng cường, nâng cao chất lượng đỗi ngũ cán bộ khoa học của Viện, đảm bảo vừa là nhà khoa học, vừa là nhà tư vấn, tham mưu giỏi cho Bộ, cho ngành.
Cần đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học, đề xuất, triển khai thực hiện những công trình mang tính đột phá cho ngành, cho đất nước. Chú trọng các nghiên cứu thiết thực, gắn với thực tiễn quản lý của ngành, bám sát kế hoạch hành động của ngành giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo; vừa đảm bảo giải quyết các vấn đề mà đất nước, xã hội đang đặt ra, vừa dự báo tương lai sắp tới như các hoạt động triển khai COP 26, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số.
Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác đào tạo của Viện cần gắn với nhu cầu cao của ngành, của xã hội để có kế hoạch mở rộng mã ngành, phát triển quy mô đào tạo. Song song với tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, Viện phải là cầu nối giữa các nhà quản lý với các nhà khoa học cả ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Viện; hình thành những phòng thí nghiệm hiện đại, tiên tiến, xứng đáng là điểm đến đáng tin cậy cho những người đam mê nghiên cứu khoa học.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Công Thành đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho các tập thể, cá nhân của Viện. Bên cạnh đó, Viện cũng trao bằng Tiến sỹ cho các nghiên cứu sinh đủ điều kiện năm nay.