Chưa có thuốc chữa, là nguyên nhân gây ung thư gan
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, chiếm 15-20% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người, chủ yếu là viêm gan mạn tính.
Viêm gan B mạn là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan. 90% trường hợp mắc viêm gan B diễn tiến âm thầm nên dễ bị bỏ qua, khi bệnh nhân có triệu chứng thường đã ở giai đoạn muộn.
Đây là căn bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ mắc cao, dễ lây truyền song đến nay nhận thức của người dân về viêm gan B còn nhiều hạn chế, do đó tỉ lệ mắc mới viêm gan B ở nước ta vẫn ở mức cao, thêm 30.000 ca mỗi năm.
GS Nguyễn Văn Mùi, nguyên PGĐ BV Quân y 103, Chủ tịch Hội đồng xây dựng phác đồ điều trị viêm gan virus áp dụng trên toàn quốc cho biết, viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50- 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Theo GS Mùi, viêm gan B mạn tính được chia thành 2 thể bệnh: Thể người lành mang bệnh (hay còn gọi là viêm gan B thể ngủ) và viêm gan B thể hoạt động.
Ở “thể ngủ”, virus chỉ tạm thời không hoạt động, vẫn có thể bùng phát tái hoạt động bất cứ lúc nào, nhất là khi sức đề kháng kém, khả năng chống chọi với virus bị giảm.
Nếu virus “ngủ yên”, chưa phá huỷ tế bào gan, xét nghiệm men gan vẫn bình thường nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác qua đường máu hoặc đường tình dục. Do đó dù không phải điều trị thuốc nhưng người bệnh cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ, duy trì lối sống khoa học và có biện pháp phòng chống lây nhiễm virus viêm gan B cho người khác.
Khi virus ở thể hoạt động, gây ra tổn thương tế bào gan, người bệnh buộc phải điều trị tích cực theo phác đồ với thuốc nhằm kìm hãm sự phát triển của virus viêm gan, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan
Tuy nhiên hiện nay, viêm gan B chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phác đồ điều trị hiện nay chỉ có thể ngăn ngừa sự nhân lên của virus, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan.
Chính vì vậy, người mắc viêm gan B thường phải chấp nhận thời gian điều trị kéo dài, có thể là 1-2 năm, thậm chí đến vài chục năm hoặc cả đời. Chi phí điều trị viêm gan B mỗi năm trung bình từ 60 – 200 triệu đồng.
Dùng chung bát đũa có lây?
GS Mùi cho biết, đến nay đa số người dân vẫn hiểu lầm rằng, virus viêm gan B có thể lây khi dùng chung bát đũa, khăn mặt, bắt tay, ôm hôn người bệnh... Điều này gây ra sự kỳ thị trong cộng đồng đối với bệnh nhân viêm gan B.
“Viêm gan B lây qua đường máu là chủ yếu (truyền máu, dùng chung kim tiêm), từ mẹ sang con hoặc quan hệ tình dục không an toàn”, GS Mùi nhấn mạnh.
Thống kê tại Việt Nam cho thấy, 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm viêm gan B mạn tính.
Cụ thể, trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10-90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Đặc biệt trong trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virus viêm gan B.
Tại Việt Nam, khoảng 10-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B mãn tính.
Do đó, để hạn chế bệnh lây lan, GS Mùi cho rằng cần nâng cao nhận thức của người dân về viêm gan B để kiểm soát bệnh.
Hiện nay, việc tầm soát viêm gan B khá dễ dàng, chỉ cần test nhanh đã có thể cho kết quả một người có mắc bệnh hay không.
Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh cũng không trầm trọng. Người bệnh có thể học tập, sinh hoạt bình thường, sống chung hoà bình với virus viêm gan B đến hết đời.
Dù bệnh lây lan mạnh nhưng hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước đã có vắc xin ngừa viêm gan B. Với trẻ nhỏ sinh ra từ người mẹ có virus viêm gan B thể hoạt động cần được tiêm huyết thanh trong vòng 24 giờ đầu tiên, đủ 3 mũi trong 6 tháng sau đó sẽ giúp giảm tới hơn 90% nguy cơ lây lan viêm gan B từ mẹ sang con.
Ở người lớn chưa có kháng thể với viêm gan B (AntiHBs âm tính), sẽ được tiêm văcxin viêm gan B 3 mũi theo trình tự 1 - 2 - 3, trong đó mũi 2 cách mũi đầu 2 tháng và mũi 3 cách mũi đầu 3 tháng. Có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 5, 10 năm hoặc khi xét nghiệm không thấy còn kháng thể.