Vi phạm quy hoạch - băm nát đô thị

Ngọc Lý| 06/08/2020 13:23

(TN&MT) - Thời gian qua, chúng ta đã phát triển khá nhanh hệ thống đô thị. Các đô thị mới được nâng cấp cũng ngày một nhiều hơn. Diện tích ở của người dân tăng cao. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được đầu tư. Diện mạo các đô thị Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Thế nhưng, dường như sự gia tăng này chưa có một tỷ lệ tương xứng về chất lượng sống tại các đô thị.

Công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị tuy có được quan tâm triển khai nhưng còn chưa đáp ứng được sự phát triển của thực tế, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực phát triển cũng như công tác quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị mất cân đối so với các yêu cầu của sự phát triển đô thị. Nước sạch thất thoát lớn, úng ngập, nhiều đô thị lớn không được bảo vệ với triều cường, với mưa lũ. Tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng gây lãng phí và phiền hà nhiều cho người cần lưu thông trong đô thị.

Ngay ở Thủ đô, đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là một trong những tuyến huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Nhưng chỉ trên tuyến đường Lê Văn Lương đoạn giao từ Đường Láng đến ngã tư Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) dài hơn 1 km đã phải cõng 33 dự án chung cư cao tầng với mật độ dân số hơn 100 ngàn người. Có thể nói, đây là “điển hình” của tình trạng vi phạm mật độ xây dựng ở Thủ đô.

Ảnh minh họa

Thêm nữa, nhiều nơi, việc lập quy hoạch chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế một cách chặt chẽ. Chúng ta chưa phối hợp được những tính toán sức chứa người trong khi phát triển đô thị tương thích với sự phát triển đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được phát triển thích hợp với số dân. Chưa có đủ hạ tầng kỹ thuật mà cứ xen cấy nhiều nhà cao tầng, tăng sức chứa lên rất nhiều gây ra hiện tượng quá tải về đường xá đi lại, các công trình phục vụ như thoát nước, vệ sinh môi trường, ...

Vẫn ở Hà Nội, ví dụ điển hình là Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt năm 1998, với mật độ xây dựng hơn 34% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Ba năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số toà lên 16 toà cao tầng. Chiều cao mỗi tòa cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9 - 21 tầng. Tuy vậy, sau 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao tầng, chiều cao từ 17 - 34 tầng.

Nói một cách hình ảnh, trong quy hoạch chi tiết đô thị, sự gắn kết phát triển kinh tế với phát triển đô thị cần có vai trò của nhạc trưởng. Viết tổng phổ xong, phải ra lệnh thực hiện bằng đôi tay dẻo của người nhạc trưởng, nếu không nhạc công nào cũng gào thật to, kêu thật lớn, tạo ra sự thiếu đồng bộ, luôn luôn tự gây khó khăn cho mình.

Thế nên, để quy hoạch không hoàn chỉnh, chắp vá, thiếu đồng bộ; để người dân và các nhà đầu tư đợi quy hoạch, không phải chỉ là khuyết điểm của các nhà quy hoạch mà có lẽ, đã đến lúc cần xem đến trách nhiệm của chính những người nắm quyền lực tại các đô thị!!!?.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm quy hoạch - băm nát đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO