Trong nước

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị

Khương Trung 23/08/2024 - 17:52

(TN&MT) - Tại cuộc họp thông qua dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của UBTVQH về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023-2025. TVQH tin tưởng Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị.

Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Nghị quyết kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đã yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 phải cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025.

202408221703592430_dsc_9224.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Theo thống kê của Chính phủ, các Bộ, ngành đến nay mới có 43/54 tỉnh, thành phố có ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã xây dựng xong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã gửi đến Chính phủ, trong đó 23/54 địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC đô thị, tập trung chủ yếu về nội dung liên quan đến yêu cầu bảo đảm phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và việc hoàn thành công tác rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, phân loại đô thị. Do đó, rất cần có các giải pháp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên cho các địa phương, nếu không sẽ rất khó hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo tiến độ Quốc hội yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, tại phiên họp thứ 33 (tháng 5/2024), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ yêu cầu đối với vấn đề nói trên, trình Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Do đó, Hồ sơ Chính phủ trình tại phiên họp đáp ứng yêu cầu và đúng thẩm quyền.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết;.. Trong đó, góp ý và phân tích làm rõ 03 giải pháp được đề xuất. Cụ thể: Dự thảo Nghị quyết cho phép thực hiện song song 02 quy trình lập, thẩm định, công nhận kết quả đánh giá tiêu chí phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị với công tác lập, thẩm định đề án sắp xếp ĐVHC thay vì phải hoàn thành quy trình đánh giá, phân loại đô thị rồi mới bắt đầu lập, thẩm định đề án sắp xếp ĐVHC.

Ngoài ra, được sử dụng một số quy hoạch hiện có đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Trường hợp đến thời điểm phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mà vẫn chưa hoàn thành được thủ tục phân loại đô thị thì cho phép kéo dài thời gian hoàn thành việc phân loại đô thị đối với thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp;…

202408221703593055__06a3686.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết trên cơ sở đề xuất của Chính phủ đồng thời, đánh giá cao quá trình chuẩn bị rất tích cực và phối hợp trách nhiệm “từ sớm, từ xa” của Thường trực Ủy ban Pháp luật. “Đây là vấn đề quan trọng cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Tán thành với nhiều nội dung đề nghị chỉnh lý của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký ban hành và đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định chuyển tiếp để giải quyết một số trường hợp cụ thể.

202408221703592742_dsc_9484.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, liên quan các công việc sắp tới Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục rà soát lại, hoàn thiện các quy định đảm bảo chặt chẽ, đúng yêu cầu như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm trình ký ban hành nghị quyết.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, các địa phương hiện nay tích cực triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, tuy nhiên các quy trình thủ tục về đô thị rất phức tạp, còn vướng mắc. Do đó, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Bộ Nội vụ cùng với Bộ Xây dựng sẽ có thông báo tới các địa phương khẩn trương triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Cho phép thực hiện song song 02 quy trình phân loại đô thị và sắp xếp Đơn vị hành chính

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, đặc biệt là cơ quan chủ trì - Bộ Nội vụ, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ thực hiện Thông báo 3691 ngày 23/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ trình nghị quyết theo quy trình, thủ tục rút gọn. Hồ sơ trình đảm bảo đầy đủ, đúng thẩm quyền, đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản thống nhất nội dung tại dự thảo nghị quyết với 4 nội dung chính. Trong đó, cho phép thực hiện song song 2 quy trình, lập, thẩm định, công nhận kết quả tiêu chí phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đồng thời với công tác lập, thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, được sử dụng một số quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở đánh giá tiêu chí phân loại đô thị phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính.

202408221703593055_dsc_9561.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết

Ngoài ra, đến thời điểm phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính và các đơn vị đô thị cấp huyện nhưng chưa ký được quyết định phân loại đô thị thì cho phép kéo dài thêm thời gian để hoàn chỉnh thủ tục ký.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, sửa tên gọi của nghị quyết như đề nghị của Ủy ban Pháp luật cho ngắn gọn, rõ hiểu và làm rõ thêm điều khoản chuyển tiếp trách nhiệm của Chính phủ;…

Tại phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình, đã được Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan chỉnh lý, hoàn thiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Uỷ ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện văn bản Nghị quyết và thực hiện thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký ban hành theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO