Biến đổi khí hậu

Về nơi con tôm ôm cây đước

Khánh Ly 29/03/2024 - 17:01

(TN&MT) -Lâm tức là rừng, Hải vốn là biển...Đến Lâm Hải nơi rừng biển đan xem mới thấm câu "tôm rừng nuôi nhau" của mêng mang vùng rừng ngập mặn ... Tôm là sinh kế chính của người dân, cũng là lý do khiến những cánh rừng đước nơi đây ngày càng xanh tốt...

Rừng nuôi tôm, tôm nuôi rừng

Xã Lâm Hải là địa phương cuối giáp biển của huyện Năm Căn. Để tới đây, thay vì chạy xe theo đường bộ, chúng tôi chọn ngồi xuồng máy theo sông Cái Lớn xuôi ra gần biển, rồi len qua những lạch nước nhỏ trong rừng ngập mặn. Cái tên Lâm Hải cũng thể hiện rõ đặc trưng của vùng đất này khi rừng ngập mặn chiếm phần lớn diện tích, nước biển và nước sông hòa trộn vào nhau tạo thành vùng nước lợ giàu dinh dưỡng với nguồn lợi thủy sản phong phú. Nổi tiếng phải kể đến các loại cua, tôm, sò huyết...

img_5964.jpg
Từ thị trấn Năm Căn đến xã Lâm Hải phải đi qua nhiều luồng lạch xen

Theo lời kể của người dân bản địa, từ xa xưa, phần lớn tôm giống bắt từ trong tự nhiên vào vuông tôm rồi sau đó mới chăm nuôi. Sau này, khi nghề nuôi tôm phát triển mạnh, do chất lượng nước không còn ổn định, số lượng tôm giống tự nhiên giảm dần nên bà con ở Lâm Hải phải mua thêm con giống nhân tạo về nuôi trồng, nhưng vẫn giữ phương pháp sản xuất truyền thống.

Xung quanh ao đầm nuôi tôm vẫn giữ các loại cây ngập mặn như đước, sú, vẹt... Trong số đó, phổ biến nhất là cây đước. Bộ rễ đước ken dày, trồi khỏi mặt nước giúp tạo khu vực trú ẩn cho tôm tránh bị các loài thủy sinh khác ăn thịt. Tán lá chắn ánh nắng làm giảm nhiệt độ trong nước, đồng thời, lá đước rơi xuống phân hủy là nguồn thức ăn chính của tôm.

Bao đời qua, con tôm gắn với cây đước như thế, vùng nuôi tôm cũng giúp tăng dưỡng chất cho rừng, làm dày thêm bức tường xanh chắn sóng cho cả vùng dân cư rộng lớn phía trong.

nuoi-tom-sinh-thai-6-.jpg
Ao nuôi tôm sinh thái tại ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau

Với cách nuôi như vậy, các vuông tôm ở đây đều nằm ven những luồng, lạch để tiện lấy nước theo triều dâng. Buổi sáng, con nước cạn khiến xuồng máy khó di chuyển thêm, chúng tôi đi bộ một đoạn để tới ấp Trại Lưới B thuộc phạm vi rừng phòng hộ Biển Tây trên địa phận xã Lâm Hải. Theo quy định, người dân nuôi tôm phải đảm bảo tỷ lệ rừng ngập mặn che phủ khoảng 60 – 70% diện tích vuông tôm của mình. Giữa cao điểm mùa khô tháng 3, không khí tại đây vẫn thoáng đãng, mát mẻ, nguồn nước dồi dào nhờ nằm những cánh rừng trải dài vút tầm mắt.

Giống như nhiều vùng ven biển ở Cà Mau, nuôi tôm là sinh kế chính của người dân ấp Trại Lưới B, cùng với thả xen các loại thủy sản có vỏ khác. Dẫn chúng tôi đến đầm nuôi của gia đình, ông Phạm Thế Kiệp (47 tuổi, ấp Trại Lưới B) cho biết, ở đây nhà ít thì có 1 – 2 ha, nhà nhiều có vài ha thả tôm và đều tuân thủ quy định về độ che phủ rừng. “Từ đời ông già (bố) đã ra đây nuôi tôm rồi, sau ông chia vuông cho mấy anh em tôi tự làm – ông Kiệp chia sẻ. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông được bầu là tổ trưởng tổ tự quản của ấp. Mỗi tháng, 22 tổ viên trong ấp lại họp “đầu bờ” và cùng thảo luận về kinh nghiệm cũng như các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất.

z5280012221435_36d13805d1d728faf14da8c42337cfba.jpg
Ông Phạm Thế Kiệp, chủ vuông tôm

“Vài năm trở lại đây không còn tôm giống ngoài tự nhiên nữa rồi. Trước còn có tôm đất, tôm thẻ, tôm bạc. Giờ chỉ còn tôm sú mình tự thả. Nguyên nhân có thể do nuôi tôm công nghiệp nhiều, và biến đổi khí hậu làm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt hơn ảnh hưởng đến chất lượng nước. Nhìn chung nuôi tôm, cua đều không hiệu quả bằng những năm trước nữa” – ông Kiệp cho biết.

Hai năm qua, các hộ dân ấp Trại Lưới B bắt đầu chuyển hướng nuôi tôm sinh thái. Mỗi mùa thả tôm chỉ dẫn nước từ ngoài sông vào, thả tôm giống rồi để vậy cho tôm tự lớn, không cần bổ sung thức ăn công nghiệp, cũng không dùng các loại thuốc cấm. Cách nuôi thì vẫn như cũ. Tôm bột, tôm giống và tôm gần trưởng thành có tập tính sống gần bờ biển và rừng ngập mặn ven bờ nên thường mỗi tháng, người nuôi sẽ để nước ra vào khoảng nửa tháng. Tôm nuôi khoảng 6 tháng sẽ cho thu hoạch.

Chỉ cho chúng tôi xem cửa cống cũ kĩ chỉ cách bờ bao một con đường nhỏ, ông Kiệp cho biết, khi tôm trưởng thành, theo tập tính thích sống ở vùng nước sâu, tôm sẽ di chuyển ra biển. Thời điểm này, cứ mỗi khi triểu cường lớn vào khoảng mùng 1 và 15 Âm lịch, người nuôi sẽ cho xổ (tháo) nước ra ngoài, dùng lưới chặn ở cửa cống để thu hoạch tôm. “Mỗi lần xổ 6 ngày, có đợt nhiều tôm thì tôi xổ 7 ngày luôn” – ông Kiệp cười chia sẻ.

img_5989.jpg
Cửa cống nơi xổ nước để thu hoạch tôm vào đợt triều cường lên cao

Cùng với nuôi tôm, nông dân kết hợp nuôi sò huyết, vọp kết hợp nuôi các loại cá nước mặn đã mang đến nguồn thu nhập ổn định.

Thay đổi để có tôm sinh thái

Vốn định bắt tôm để chúng tôi mục sở thị, nhưng không con tôm nào dính lưới, ông Kiệp cười ngại ngùng giải thích: Nuôi tôm sinh thái thì lượng con giống thả vào vuông sẽ hạn chế số lượng. Diện tích nuôi quá rộng và cây rừng nhiều nên tôm thường lẩn vào rừng tránh nóng, nhất là thời điểm mùa khô như hiện nay. Bởi vậy, đến kỳ thu hoạch mới có thể bắt tôm bằng cách xổ cống chứ bình thường rất khó bắt tôm bằng giỏ hay thả lưới.

Với những người lần đầu vào vùng tôm rừng như tôi, hình ảnh này khác hẳn với những đầm nuôi tôm công nghiệp khi chỉ cần thả lưới xuống là có ngay một mẻ tôm nhảy tanh tách xôn xao mặt nước. Vuông tôm sinh thái phẳng lặng, soi rõ bầu trời xanh và rừng cây đước tạo nên một bức tranh đồng quê bình yên riêng có nơi đây. Tôi thắc mắc: Tôm giống ít quá lỡ bị cá ăn hay chết bệnh hết thì sao? Mấy bác nông dân hài hước: Lúc đó mình lấy số điện thoại của công ty gọi họ đền thôi.

nuoi-tom-sinh-thai-1-.jpg
Ông Kiệp kéo giỏ nhưng không bắt được con tôm nào

Công ty ở đây là Công ty CP Tôm miền Nam, đơn vị đứng ra liên hệ và thuyết phục người dân xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái và bao tiêu sản phẩm tôm cho người dân trong vùng. Những ngày đầu, cán bộ công ty đi từng nhà thuyết phục người nuôi vẫn giữ nguyên cách thức sản xuất như trước, chỉ có thay đổi nhỏ là không dùng thức ăn công nghiệp và thuốc diệt cá tạp trong ao. Công ty hỗ trợ con giống và thu mua toàn bộ số tôm thành phẩm với giá cao hơn thị trường từ 2 – 10%, tùy theo kích cỡ tôm.

Chỉ tay về những vuông tôm san sát nhau, bà Bùi Ngọc Tố Nga, quản lý dự án tôm sinh thái chia sẻ, hai yếu tố quan trọng nhất ở đây là con giống và chất lượng nước. Vì nuôi thuần tự nhiên, chất lượng nước khó có thể can thiệp nên phía công ty phải đảm bảo con giống khỏe mạnh. Đặc biệt, vì là giống tôm bản địa nên có sức chống chịu cao trước những thay đổi của môi trường do tác động của biến đổi khí hậu. Đặc trưng khu vực này là diện tích nuôi rộng nên chúng tôi cũng có nghiên cứu qua, số lượng con giống thả nhiều hơn thì hiệu quả cũng tương đương. Qua 2 mùa thu hoạch, tôm cho chất lượng tốt với sản lượng đạt khoảng 150 – 250 kg/ha/năm. Quan trọng nhất với chúng tôi, đây là con tôm sạch và hoàn toàn có thể xuất khẩu đi các thị trường quốc tế có giá trị cao với yêu cầu bảo vệ môi trường khắt khe.

img_5975.jpg
Các vuông tôm đều duy trì độ che phủ rừng đạt 60 - 70% diện tích

Thực tế, để giảm thiểu tối đa thiệt hại tôm giống, người dân đã tích cực phối hợp trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi, tránh làm ô nhiễm nguồn nước. Một số giải pháp kỹ thuật giúp tôm giống tránh các loại cá tạp cũng được triển khai. Trong vòng 2 năm tới, người dân vẫn sẽ được hỗ trợ tôm giống và có thể mua thêm từ các trang trại giống có chứng nhận nguồn gốc, cùng với hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt hàng năm… Trên hết, đây là những bước đi ban đầu để dần hình thành những vùng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, xây dựng thương hiệu tôm sinh thái của huyện Năm Căn nói riêng và tỉnh Cà Mau.

Theo ông Lê Đình Huynh, Tổng thư ký Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam, nuôi tôm sinh thái thực chất là quay trở lại cách làm từ xưa, vốn vẫn là truyền thống của bà con Lâm Hải. Hiện nay, Liên minh cùng Công ty CP Tôm miền Nam đang tạo điều kiện để bà con kết nối tốt hơn với các tiêu chuẩn tôm quốc tế, cũng như đáp ứng thị hiếu sản phẩm tôm bền vững với môi trường trong nước. Từ đây, họ đã tham gia vào chuỗi giá trị tôm sinh thái, từ sản xuất giống, nuôi trồng, thu mua đến chế biến, tiêu thụ.

z5267825816376_a4560132c9971085d1512ebc397cf89d.jpg
Người dân kết hợp nuôi tôm và sò huyết

“Những năm thập kỷ 90, rừng ngập mặn Cà Mau bị suy thoái nhiều để chuyển đổi nuôi tôm sinh kế. Nhờ nỗ lực của địa phương, nhiều nơi đã khôi phục lại mảng xanh, nhưng chặng đường còn rất dài. Muốn giảm thiểu hạn mặn cho con tôm sống khỏe thì phải bảo vệ các vùng đất ngập nước và hệ sinh thái ở đó. Chúng tôi mong muốn con tôm sinh thái có thể đảm bảo thu nhập cho người dân, giúp họ gắn bó và bảo vệ hơn nữa diện tích rừng ngập mặn vì đó là thương hiệu của con tôm rừng” – ông Huynh chia sẻ.

Trong tương lai, xã Lâm Hải sẽ nhân rộng quy mô nuôi tôm rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu với diện tích trên 5.000 ha rừng. Đây cũng là một trong những vùng trọng điểm phát triển mô hình tôm rừng sinh thái của tỉnh Cà Mau. Kỳ vọng có nhiều, nhưng có lẽ, ngày mà những con tôm đất, tôm thẻ, tôm bạc xuất hiện trở lại trong vuông tôm nhà ông Kiệp và nhiều nông dân ấp Trại Lưới B, ấy chính là lúc hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây đã thực sự khỏe mạnh và đủ sức đương đầu với sóng gió, hạn mặn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về nơi con tôm ôm cây đước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO