Ngày 21/4, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: "Huyện đã thuê xe cẩu để đưa các san hô hóa thạch lên khu vực gần với Hang Câu để hạn chế sự ăn mòn của nước biển".
Theo đó, UBND huyện Lý Sơn đã di dời san hô có kích thước lớn từ dưới nước lên bờ, đây là giải pháp tạm thời để giảm thiểu các tác động của sóng biển trước khi tìm được vị trí thích hợp để lưu giữ và phát huy các giá trị di sản của san hô hóa thạch.
Bà Hương cũng cho biết thêm, nếu các san hô hóa thạch để dưới nước, với sự tác động của sóng biển thì có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị hỏng. Đồng thời, khi UBND huyện tiến hành thuê xe cẩu đưa các san hô lên bờ đã yêu cầu bên vận chuyển phải giữ nguyên hiện trạng của san hô, tránh tình trạng va chạm, gây hư hỏng. Đồng thời, huyện cũng đang tìm địa điểm phù hợp để giữ san hô hóa thạch có niên đại hàng ngàn năm này.
San hô hóa thạch được những ngư dân đảo Lý Sơn phát hiện đầu tiên tại Vũng neo đậu tàu thuyền và vận chuyển các san hô lên bờ. Đến tháng 1-2018, các nhà nghiên cứu thuộc Viên Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã công bố những nghiên cứu đầu tiên về “nghĩa địa san hô”. Diện tích phân bố 20.000m2 với đủ kích cỡ, hình dáng, có niên đại 5.000 - 6.000 năm, gần Hang Câu, Chùa Hang, Giếng Tiền.
Đến nay, huyện Lý Sơn đã di chuyển tạm thời các san hô lên cao nhằm tránh bị ăn mòn và sự phá hủy của tự nhiên.