Nhiều đơn vị buộc phải lắp đặt
Năm 2016, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 31/TT-BTNMT quy định tất cả những khu công nghiệp cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để truyền số liệu về cho những đơn vị liên quan quản lý và kiểm soát; những cơ sở sản xuất kinh doanh không nằm trong khu công nghiệp, nhưng có lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên; những cơ sở có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên và nằm trong khu công nghiệp, hoặc cụm công nghiệp mà được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động. Các đối tượng phải lắp đặt hệ thống này đã được quy định cụ thể tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP và mới đây, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đã quy định cụ thể hơn.
Theo đó, các đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động là: Loại hình sản xuất gang, thép có công suất từ 200.000 tấn/năm trở lên; loại hình sản xuất hóa chất, phân bón hóa học có công suất từ 10.000 tấn/năm trở lên; tất cả các loại hình sản xuất công nghiệp lọc, hóa dầu; cơ sở có sử dụng lò hơi công nghiệp với tổng công suất các lò từ 20 tấn hơi/giờ trở lên (trừ trường hợp sử dụng hoàn toàn nhiên liệu là khí đốt, dầu DO); loại hình sản xuất thủy tinh có công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên (trừ trường hợp sử dụng hoàn toàn nhiên liệu là khí đốt); loại hình sản xuất gạch ngói tổng công suất từ 100 triệu viên gạch, ngói trở lên (trừ trường hợp sử dụng hoàn toàn nhiên liệu là khí đốt); loại hình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, lò đốt chất thải rắn công nghiệp thông thường có công suất từ 3 tấn/giờ trở lên; lò đốt chất thải nguy hại, lò đốt chất thải y tế có công suất từ 0,5 tấn/giờ trở lên…
Ngày càng mở rộng
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện nay, cả nước đã đầu tư và đưa vào hoạt động khoảng 160 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh và nước mặt tự động (bao gồm 100 trạm quan trắc nước mặt và 60 trạm quan trắc không khí xung quanh). Số lượng trạm quan trắc tự động, liên tục thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia là 30/160 trạm (7 trạm khí và 23 trạm nước mặt).
Đối với khu vực phía Bắc, một số địa phương đã có mạng lưới quan trắc không khí xung quanh tự động khá hoàn chỉnh như: Bắc Ninh 18 trạm; Quảng Ninh 11 trạm; Hà Nội 11 trạm; Vĩnh Phúc 3 trạm… Trong khi đó, khu vực miền Nam, mạng lưới quan trắc này còn mỏng, tính từ Đà Nẵng trở vào mạng lưới quan trắc quốc gia chỉ có 2 quan trắc không khí, 10 trạm quan trắc nước mặt. Ngoài ra, một số địa phương cũng đã đầu tư một số trạm quan trắc như: Đồng Nai có 2 trạm quan trắc không khí, 5 trạm quan trắc nước mặt, Bạc Liêu có 1 trạm quan trắc nước mặt, Bình Dương có 5 trạm quan trắc nước mặt..
Ngoài ra, hiện nay, cả nước đã lắp đặt khoảng 640 trạm phát thải, trong đó, bao gồm khoảng 460 trạm quan trắc nước thải và khoảng 180 trạm quan trắc khí thải. Các trạm quan trắc phát thải được lắp đặt tập trung tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp/doanh nghiệp lớn của miền Bắc như: Hà Nội; Bắc Ninh; Hải Dương; Quảng Ninh; Thanh Hóa; Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Tây Ninh...
Phải đồng bộ hệ thống quản lý số liệu
Nhằm hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý số liệu quan trắc tự động tại Sở TN&MT địa phương và kết nối về Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đã xây dựng phần mềm Envisoft để bàn giao miễn phí cho các địa phương. Tính đến hết tháng 5/2019, khu vực phía Nam, duy nhất tỉnh Bạc Liêu đã được chuyển giao phần mềm Envisoft phục vụ quản lý số liệu quan trắc tự động (bao gồm cả quan trắc phát thải và quan trắc xung quanh) được kết nối truyền từ doanh nghiệp về Sở TN&MT và về Bộ TN&MT. Còn khu vục phía Bắc phần mềm Envisoft đã được cài đặt tại 6 địa phương (Hà Nội; Hải Phòng; Hải Dương; Bắc Ninh; Hưng Yên; Vĩnh Phúc).
Theo lãnh đạo Trung tâm Quan trắc miền Bắc, thời gian tới, Trung tâm sẽ chuyển giao phần mềm kết nối, truyền nhận và quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động cho 50 địa phương để sử dụng thống nhất. Dự kiến đến hết năm 2019, phần mềm sẽ được chuyển giao cho toàn bộ các tỉnh.
Điều đáng lưu tâm là theo quy định hiện hành, số liệu của các trạm quan trắc phát thải tự động phải được kết nối theo thời gian thực về Sở TN&MT và từ Sở truyền về Bộ TN&MT. Tuy vậy, một số địa phương vẫn chưa thực hiện việc truyền dữ liệu từ doanh nghiệp về Sở. Rất ít địa phương thực hiện việc truyền số liệu về Bộ TN&MT.
Để đẩy mạnh mạnh hoạt động quan trắc môi trường tự động liên tục, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi cho biết, Tổng cục đã chỉ đạo các Trung tâm Quan trắc thời gian tới, phải khảo sát cơ chế quản lý cho các trạm quan trắc tự động phù hợp với tình hình tại địa phương; xây dựng Đề án vận hành tổng thể đối với tất cả các trạm quan trắc tự động; tăng cường công tác chuyển giao phần mềm kết nối, truyền nhận và quản lý số liệu quan trắc môi trường cho các địa phương có nhu cầu. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ cho các doanh nghiệp nhằm cập nhật và nâng cao kỹ năng và nhận thức trong việc duy trì vận hành các trạm quan trắc tự động; đẩy mạnh hướng dẫn kiểm định đối với các hệ thống quan trắc tự động; xây dựng kế hoạch quan trắc định kỳ năm 2020 phù hợp với tình hình thực tiễn.