Ưu tiên kết nối hạ tầng giao thông

Thanh Quỳnh| 17/06/2019 10:24

(TN&MT) - TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn và cũng là điểm trung chuyển các sản phẩm của ĐBSCL tới các địa bàn khác trên cả nước. Tuy vậy, hệ thống giao thông kết nối giữa ĐBSCL và TP. HCM dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được các nhu cầu kinh tế - xã hội.

cao toc trung luong my thuan
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được thông xe vào cuối năm 2020

Mới có 40km đường cao tốc

Theo Bộ GTVT, hệ thống đường bộ liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL chủ yếu thông qua 1 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 132 km; 5 tuyến quốc lộ (quốc lộ 1, duyên hải ven biển phía Đông bao gồm quốc lộ 50 và 60, quốc lộ N1, quốc lộ N2 và đường ven biển TP.HCM - Kiên Giang); 3 tuyến vành đai của TP.HCM (vành đai 2, 3 và 4 với tổng chiều dài 351 km, có quy mô 6 - 10 làn xe).

Trong đó,  tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ được xác định là tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy vậy, đến nay, mới chỉ khai thác được 40km đoạn TP.HCM - Trung Lương. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài hơn 51km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Mặc dù, được khởi động từ năm 2009 nhưng dự kiến đến năm 2020, mới thông xe, đưa vào khai thác vào năm 2021. Còn đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23,6 km hiện mới trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, đến nay, tuyến quốc lộ N2 chưa thông xe toàn tuyến; đường Vành đai 2 mới khép kín được 51/64 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2023; đường Vành đai 3 đã đưa vào khai thác 16 km, các đoạn tuyến còn lại chưa đầu tư; vành đai 4, hiện, mới trong giai đoạn kêu gọi nhà đầu tư.

Về giao thông đường thủy, việc lưu thông, giao thương hàng hóa giữa ĐBSCL và TP.HCM chủ yếu được thông qua tuyến kênh Chợ Gạo có chiều dài 28km. Tuyến kênh này có ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn, là tuyến kênh đường thủy nội địa độc đạo cho phương tiện vận tải sông có trọng tải lớn (80 tấn trở lên) chuyên chở lúa gạo, nông sản, hàng hóa lưu thông từ ĐBSCL đến TP.HCM. Tuy vậy, hiện nay, kênh Chợ Gạo đang bị quá tải, thường xuyên bị “kẹt” tàu, thuyền. Trong khi đó, dự án nâng cấp, nạo vét tuyến kênh Chợ Gạo mới hoàn thành giai đoạn 1 được 17km; giai đoạn 2 do gặp khó khăn về nguồn vốn nên chưa được triển khai, trong khi nhiều đoạn kênh bị sạt lở gây nhiều khó khăn cho phương tiện lưu thông.

Ngoài ra, theo Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL sẽ xây dựng tuyến đường sắt từ TP.HCM đi Cần Thơ và từ Cần Thơ đi Cà Mau. Trong đó, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 5 tỷ USD, tốc độ dưới 200km/giờ cho tàu hàng và trên 200km/giờ cho tàu khách, từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ mất 45 phút. Tuy vậy, đến nay, chưa có một cuộc họp riêng nào để bàn về vấn đề triển khai tuyến đường sắt này.

Với những hạn chế về hệ thống hạ tầng giao thông kết nối như hiện nay đã cản trở lưu thông hàng hóa cho các tỉnh ĐBSCL, đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng nông, thủy sản.

T5
ĐBSCL có nhiều lợi thế để phát triển giao thông đường thủy bởi có hệ thống sông ngòi dày đặc. Ảnh: MH

Huy động các nguồn lực

Để tìm giải pháp đưa ĐBSCL cất cánh, bứt phá, trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL cần phải có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững.

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh ĐBSCL cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. Trong đó, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận phải hoàn thành thông xe vào cuối năm 2020 và đưa vào khai thác vào năm 2021; đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ (trong đó, có dự án cầu Mỹ Thuận 2) phải thông xe vào cuối năm 2022 và đưa vào sử dụng vào năm 2023. Sau khi các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại giữa TP.HCM và Cần Thơ so với tuyến Quốc lộ 1. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần phải đẩy nhanh  hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, vành đai và bổ sung các tuyến đường mới để kết nối mạng giao thông khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL.

Trong chuyến khảo sát tuyến kênh Chợ Gạo đầu tháng 3/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng đã yêu cầu cần sớm bố trí nguồn vốn để hoàn thành giai đoạn 2 dự án nạo vét, mở rộng tuyến kênh này. Bởi đây là một trong những nút thắt giao thông thủy lớn nhất giữa ĐBSCL và TP.HCM. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố; khảo sát, nghiên cứu nâng tĩnh không các cầu đường bộ băng qua tuyến sông từ khu vực ĐBSCL đi TP.HCM để các loại tàu sông có trọng tải lớn qua lại dễ dàng.

Về đường sắt, ngoài nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến TP.HCM - Cần Thơ sẽ bổ sung quy hoạch đường sắt đô thị 3A (Bến Thành - Tân Kiên) kết nối với TP. Tân An (Long An). Về đường hàng không, cần mở thêm các đường bay mới từ sân bay Cần Thơ; tăng tần suất các chuyến bay kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Phú Quốc…

Để triển khai các dự án giao thông kết nối ĐBSCL và TP.HCM cần một nguồn kinh phí khổng lồ trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Vì vậy, không còn cách nào khác là phải huy động các nguồn lực đầu tư, các phương thức đầu tư công tư như PPP, BOT, BT… Tuy vậy, việc ban hành những chính sách đầu tư phù hợp, vừa đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân mới có thể thu hút được các nhà đầu tư và nhận được sự đồng tình của người dân.

Trong đó, công tác tạo quỹ đất sạch cần được ưu tiên hàng đầu, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Việc dự án  giao thông vừa triển khai vừa đợi giải phóng mặt bằng đang “phổ biến” như hiện nay đã gây ra nhiều khó khăn, kéo dài thời gian hoàn thành dự án, tăng suất đầu tư. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của từng địa phương trong việc vận động người dân bàn giao mặt bằng; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án…

Một trong những giải pháp quan trọng là cần sự phân cấp cho các địa phương trong việc giải quyết các dự án giao thông. Từ 22/3/2019, để đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để UBND tỉnh Tiền Giang tiếp nhận bàn giao vai trò cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ Bộ GTVT, đồng thời là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tính khả thi của Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tại cuộc họp ngày 12/4/2019 với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề xuất giải pháp để sớm khởi công đường Vành đai 3. Mặc dù, Bộ GTVT là đơn vị “chủ trì” dự án, nhưng TP.HCM xin cơ chế cho thành phố đi vay vốn để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trước, Trung ương trả sau. Tương tự, đường Vành đai 4 cũng cần được áp dụng cơ chế này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên kết nối hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO