5 Chi nhánh, 10 điểm đổi rác lấy quà
Tái khởi động Green Day, Urenco cho biết, trong tháng 6/2022, đợt 1 của Chương trình sẽ được triển khai tại các điểm: 282 Kim Mã, Trạm Vân Đồn, khu vực cạnh UBND phường Bách Khoa (gần ngõ 37 Lê Thanh Nghị), số 4 Hoàng Cầu, khu vực Cửa Đông - Phùng Hưng, số 8 Phan Huy Chú, 69 Vọng Hà… do 5 Chi nhánh trực thuộc Urenco tổ chức.
Ghi nhận tại các điểm đổi quà cho thấy, kết quả thu gom rác tái chế ở các điểm còn chưa đồng đều. Có những điểm rất ít người mang rác đến đổi. Tuy nhiên cũng có điểm thu được hơn 200 kg rác tái chế trong buổi đầu tiên. Đặc biệt điểm đổi rác số 4 Hoàng Cầu, Đê La Thành đã được cán bộ, công nhân viên Chi nhánh Đống Đa tổ chức rất bài bản nên cả 2 buổi (thứ bảy tuần trước và tuần này) đều có đông người dân đến đổi rác, trong đó có cả những công nhân của Chi nhánh như chị Nguyễn Thị Tuyết. Chị Tuyết cho biết, với một ít chai nhựa, chị đã đổi được lọ kem đánh răng mấy chục nghìn. Vật chất là một phần, điều quan trọng hơn, theo chị, đó là “Mình đi thu gom hằng ngày, rồi đi tuyên truyền cho người dân thực hiện phân loại, đổi rác, thế nên mình phải gương mẫu. Có thế thì mới thuyết phục được người dân”.
Trao đổi với PV về hạn chế ở một số điểm đổi rác, một công nhân thuộc Chi nhánh Ba Đình cho biết, vì có một quãng thời gian gián đoạn nên khi Chương trình tái khởi động, nhiều người dân vẫn chưa tiếp nhận thông tin đổi rác lấy quà. Một phần do hằng ngày công nhân của các Chi nhánh đã trực tiếp thu mua rác tái chế tại gia đình, khu phố nên lượng người đến các điểm này cũng giảm đi.
Lượng rác tái chế tập trung nhiều nhất vẫn là ở lực lượng làm nghề thu gom tự do. Tuy nhiên, lực lượng này trước nay đã có kênh thu mua riêng tại các nơi tập kết nên cũng ít tham gia vào các chương trình đổi rác lấy quà thứ bảy hằng tuần dù chương trình có mở rộng cả hình thức đổi quà và thu mua. Cách điểm đổi rác tại ngã tư Phùng Hưng - Cửa Đông không xa nhưng chị Hoa (làm nghề thu gom rác tự do) cho biết, chị không tham gia thu mua, đổi rác tại điểm đổi rác trên. Lý do theo chị giải thích đó là: “Chúng tôi có kênh thu mua riêng, với lại chị em làm nghề này cơ bản là thuê nhà trọ, thế nên rác thu được ngày nào là phải “đi” luôn ngày ý, chứ không thể mang về nơi trọ được”.
Hướng tới các giá trị bền vững
Quan điểm của những người làm công tác vệ sinh môi trường như Urenco và Unilever, dù thu gom, thu mua, trao đổi với bất kỳ hình thức nào cũng đều là tốt cả, bởi mục tiêu cuối cùng của họ là rác được thu gom lại và tái chế thành những sản phẩm khác, thay bằng vứt bừa bãi ra môi trường.
Mặt khác, Green Day không đơn thuần là đổi rác, mà hoạt động này còn mang tính truyền thông rộng rãi nhằm hướng đến những mục tiêu lâu dài bền vững hơn trong việc thực hiện Luật Bảo vệ trường 2020, nhất là từ thời điểm ban hành (1/1/2022) tới khi áp dụng rộng rãi và thực thi hiệu lực (1/1/2025) thì thói quen phân loại rác phải được thiết lập mặc định ở người xả rác, và chế tài phải đủ hiệu lực để bước vào thực thi (1/1/2025) sẽ không có những điểm vênh lớn giữa Luật và thực tế. Vì vậy, Green Day còn là một hoạt động mang tính tạo thích ứng cho người dân.
Tham gia sự kiện, người dân sẽ được nhân viên các Chi nhánh của Urenco và các tình nguyện viên môi trường hướng dẫn nhận biết các loại rác tái chế và rác không thể tái chế, từ đó tạo ra thói quen phân loại rác, mang rác có thể tái chế đã được phân loại đến các điểm đổi rác lấy quà tặng...
Mục tiêu của Chương trình nhằm động viên, khuyến khích người dân tích cực thu gom, phân loại các loại rác có thể tái chế. Bên cạnh việc nhận rác - trao đi một món quà, Urenco và Unilever còn muốn truyền đi thông điệp: Rác là tiền nếu bạn biết phân loại và tái chế nó. Đồng thời, tuyên truyền tới người dân ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác, hạn chế thảo bỏ, không vứt rác bừa bãi…
Không dừng lại ở Green Day, mục tiêu dài hạn của chương trình Phân loại rác tại nguồn hướng đến việc đồng bộ hóa tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, thu gom riêng biệt và sau đó đưa đến nhà máy để tái chế và xử lý. Từ đây, rác thải nhựa có giá trị cao sẽ được tái chế thành bao bì sản phẩm; rác thải nhựa có giá trị thấp và không có giá trị sẽ được xử lý, tái chế hoặc trở thành nhiên liệu đầu vào trong các quy trình sản xuất công nghiệp. Chương trình sẽ được nhân rộng trên toàn TP. Hà Nội trong một kế hoạch dài hạn từ nay đến năm 2025.
Đồng hành cùng Urenco trong mục tiêu phân loại rác, tham vọng của Unilever toàn cầu là cam kết giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh bằng cách cắt giảm lượng bao bì nhựa sử dụng, đồng thời thu hồi và xử lý bao bì nhựa nhiều hơn số lượng công ty bán ra đến năm 2025.
Đại diện Unilever cho rằng, sự phổ biến của nhựa trong đời sống và sinh hoạt đã chứng minh giá trị không thể thay thế của loại vật liệu hữu ích này. Thực tế, quá trình sản xuất và sử dụng nhựa cũng gây ra ít khí thải carbon hơn so với nhiều vật liệu thay thế khác. Vì vậy, "Vị trí của nhựa không phải là trên đường phố, sông ngòi hay đại dương của chúng ta. Nhựa nên được đặt trong nền kinh tế tuần hoàn - nơi nó được tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy được. Tại đó, nhựa được giữ trong một vòng lặp khép kín, để không bao giờ gây ảnh hưởng đến môi trường" .
Trước đó, Green Day đã rất thành công với chương trình Phân loại rác tại nguồn cùng với ra mắt MV "Này này, phân loại rác đi nào". Lời rap kêu gọi "tái sinh" nhựa và đoạn vũ điệu phân loại rác vui nhộn, dễ nhớ, dễ làm theo, MV đã mang đến cho người xem trải nghiệm phân loại rác "dễ như hát"