Cây cải vàng đã đem lại niềm vui cho người Mông ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Miền |
Từ cây là máu, là thịt của người Mông…
“Không biết từ đời nào, cây cải đã gắn liền với cuộc sống của người Mông cả vùng La Pán Tẩn này rồi. Người già, người trẻ đều biết lên nương, lên ruộng bậc thang… trồng cải. Chẳng mấy bữa ăn của người Mông chúng tôi thiếu rau cải. Nhà ai cũng biết muối dưa cải ăn quanh năm. Rồi dưa cải chua nấu với mỡ lợn xong đem trộn với mèn mén ăn quanh năm chống đói... cây cải nó là máu, là thịt của người Mông mình rồi à” - Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn ông Hảng Xáy Chông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Theo lời ông Hảng Xáy Chông, đồng bào người Mông không có thói quen trồng rau thành từng luống, thành hàng mà rắc hạt giống từ mùa trước lên sườn đồi, trên các thửa ruộng bậc thang. Cây cải không cần phải chăm bón, không cần phân hóa học, cũng chẳng cần phân hữu cơ, mà nó tự hấp thụ giọt sương của trời, hơi ấm của đất mà vượt qua thời tiết khắc nhiệt của mùa đông lạnh giá ở vùng núi cao để vươn lên xanh tốt.
Những vạt ruộng bậc thanh xanh tốt hứa hẹn mùa vàng La Pán Tẩn |
Rồi đông qua xuân đến, từng vạt, từng vạt ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải nhuộm vàng sắc cải như mời gọi, như níu kéo các cặp trai gái người Mông ở khắp bản xa, bản gần về với nhau. Họ nên vợ, thành chồng, họ sinh con đẻ cái để ngày xuân mãi xuân.
“Tuy nhiên, điều mà nhiều thế hệ cán bộ Mù Cang Chải trăn trở vẫn là việc cây cải của người Mông vẫn mãi chỉ là cây giúp “cải thiện cuộc sống” chứ chưa phải là cây có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập tốt cho đồng bào vùng cao Mù Cang Chải…” - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải - ông Giàng A Tông trăn trở.
Con trai bản trên, con gái bản dưới say cái hương của đất trời vùng cao. Ảnh: Thanh Miền |
… đến cây cải dầu thoát nghèo
Mù Cang Chải có lễ hội ruộng bậc thang nổi tiếng vào trung tuần tháng 9 dương lịch, nơi du khách trong và ngoài nước đắm mình trong sắc vàng hương lúa và lễ hội dù lượn. Mùa lúa chín, cả vùng Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đang trở thành danh thắng cấp quốc gia và ngày càng thu hút khách du lịch.
“Nhưng sau mùa đổ nước, sau mùa lúa chín thì cả nghìn héc-ta ruộng bậc thang Mù Cang Chải thâm mầu đất, lơ phơ gốc rạ, đây đó bập bùng vài đốm lửa của đám trẻ chăn trâu tránh rét vùng cao… Mỗi lần qua đây, không chỉ mình tôi mà bất cứ ai đều thấy xót xa và mơ ước làm một điều gì đó cho Mù Cang Chải” - ông Đào Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Đạt cho biết.
Và rồi vụ đông năm 2015 - 2016, được sự ủng hộ của lãnh đạo huyện Mù Cang Chải và đặc biệt là đồng bào Mông ở xã Chế Cu Nha, ông Đào Xuân Thịnh đã bỏ tiền giống, bỏ tiền phân bón để hỗ trợ đồng bào trồng thử nghiệm 3ha cây cải dầu.
Vẫn biết là đất trời không chỉ ở Mù Cang Chải mà khắp vùng núi non miền Tây Bắc đều là nơi lý tưởng để trồng cải nhưng những người đưa ý tưởng nhân rộng cay cải dầu ở đây cũng ngỡ ngàng trước sự thích nghi của cây cải dầu với đồng đất nơi đây.
Theo tính toán, ở mức độ chăm sóc vừa phải, điều kiện thời tiết bình thường mỗi héc-ta rau cải sẽ cho thu 2 tấn hạt, giá thu mua mà doanh nghiệp cam kết, tối thiểu là 15 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi héc-ta sẽ cho thu 30 triệu đồng. Vậy là tổng thu cao hơn cấy lúa nhưng lợi nhuận còn hơn lúa vì chi phí thấp, làm không vất vả... “Đây là điều bao nhiêu năm nay đồng bào Mông nơi vùng cao này dẫu nằm mơ cũng không thấy” - Bí thư Huyện ủy Giàng A Tông nói mà ánh mắt không dấu nỏi niềm vui.
Ngoài lễ hội Ruộng bậc thang, lễ hội dù lượn... cây cải vàng sẽ gọi du khách bốn phương về với Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Miền |
Và ước vọng “nhuộm vàng” La Pán Tẩn
Qua trồng khảo nghiệm cho thấy, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, bà con làm đất gieo hạt cải, khoảng 20 đến 25 ngày sau là rau sẽ lên xanh. Thời điểm ấy, thời tiết vùng cao rất buốt giá gần như chẳng có một loại sâu nào sống nổi nên bà con không mất công sức và tiền bạc cho việc phun thuốc sâu và điều đó đồng nghĩa với việc rau bà con làm ra sẽ là rau sạch. Từ thành công ban đầu của vụ Đông năm ngoái, vụ Đông 2016-2017 này, cây cải dầu đã được trồng 500ha trên những cánh đồng thuộc các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và các xã khác trên địa bàn huyện.
Dẫn chúng tôi đi thăm những thửa ruộng cải dầu xếp tầng, uốn lượn xanh ngắt một màu của xã Chế Cu Nha, ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho hay: Với thời tiết này cây sẽ phát triển tốt và cho năng suất. Năm ngoái thời tiết khác nghiệt hơn, có tuyết mà cây vẫn phát triển bình thường. Đây là hướng mới cho phát triển kinh tế của huyện vùng cao nhiều khó khăn như Mù Cang Chải. Hai tháng nữa cây cho thu hoạch mang lại nguồn thu cho người dân, với sắc hương hoa cải sẽ mời gọi, cuốn hút du khách thập phương lên với Mù Cang Chải.
Điều đặc biệt của cây cải dầu đó không chỉ là giá trị kinh tế của việc trồng cây thực phẩm sạch với hạt cải sẽ chế biến thành món đồ chấm mù tạt cay cay mà cái hay còn ở chỗ sắc hương hoa cải sẽ mời gọi, cuốn hút du khách thập phương lên với Mù Cang Chải.
Chia tay, nắm chặt tay chúng tôi, Giám đốc Công ty Thịnh Đạt ông Đào Xuân Thịnh, người đã bỏ tâm phúc tài trợ giống cây cho người Mông nơi đây có ước vọng đổi đời ước ao: “Hãy thử hình dung mùa xuân tới, từ Cao Phạ, qua La Pán Tẩn, Dế Xu Phình đến Chế Cu Nha đều nhuộm vàng bởi sắc hoa của cả 500 ha cải dầu thì nơi đây có lẽ sẽ là cánh đồng hoa cải lớn nhất cả nước. Tiết xuân Mù Cang Chải sẽ mê đắm du khách đến nhường nào phải không bạn”.
Việt Hùng - Thanh Ngà