(TN&MT) - Đó là nhận định của GS.TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về nguyên nhân, tác động của biến đổi khí hậu và El Nino, cũng như những giải pháp quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu.
PV: Nhiệt độ trung bình trong 3 ngày 3-5/7 được cho là nóng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều đó càng cho thấy biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino đã thay đổi điều kiện khí quyển, gia tăng các đợt nắng nóng trên khắp thế giới. Thưa ông, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á (RAII), ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
GS.TS.Trần Hồng Thái: Biến đổi khí hậu đã có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á. Theo báo cáo đánh giá khí hậu châu Á năm 2021, nhiệt độ trong khu vực châu Á vào năm 2021 cao hơn trung bình giai đoạn 1981-2010 là 0,86°C, là một trong 7 năm nóng nhất theo số liệu lịch sử. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại lớn về con người và tài sản trên toàn khu vực.
Theo ước tính của tổ chức ESCAP (Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hợp quốc) năm 2021, gần 50 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thiên tai, đặc biệt là lũ lụt và bão. Điều này dẫn đến khoảng 4.000 người thiệt mạng (trong đó khoảng 80% do lũ lụt gây ra). Tổng thiệt hại về kinh tế do các thiên tai gây ra ước tính khoảng 35,6 tỷ USD, cao hơn so với trung bình của hai thập kỷ qua, đặc biệt là thiệt hại do hạn hán, lũ lụt và sạt lở. Những con số này cho thấy mức độ tổn thương cao của khu vực châu Á đối với biến đổi khí hậu. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ thật sự do biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo mới nhất xuất bản ngày 6/7/2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6/2023 cao hơn 0,50C so với trung bình nhiều năm (1991-2020), phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trước đó vào tháng 6/2019. Sang tháng 7, nhiệt độ trung bình ngày toàn cầu là 17,18oC vào ngày 4 và ngày 5/7, theo dữ liệu được đối chiếu của Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia Mỹ (NCEP) giá trị này đã vượt qua mức kỷ lục trước đó là 17,01oC vào ngày 3/7. Điều này cho thấy nhiệt độ ngày càng gia tăng và hệ lụy của nó vô cùng to lớn.
Thực tế là các đợt nắng nóng mạnh và thời tiết nóng bức trong những ngày 3-5/7 không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu mà còn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino - hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, thường gây ra tình trạng thời tiết cực đoan về nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, hạn hán, cháy rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Điển hình, thời gian qua, khi nhiệt độ tăng và El Nino xuất hiện ở Việt Nam, nước ta đã xảy ra tình trạng thiếu nước. Với sự hỗ trợ của WMO, Việt Nam đã có những nghiên cứu và đánh giá ngay từ đầu năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo với chính phủ và các Bộ ngành để có phương án kịp thời, nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu hụt năng lượng, thiếu nước trầm trọng. Tổng cục KTTV đã liên tục cảnh báo về tình trạng này.
Theo WMO, El Nino không chỉ liên quan đến thiếu nước, thiếu điện mà khi nhiệt độ tăng, năng lượng lớn, số lượng các cơn bão có thể ít hơn nhưng hay xuất hiện các cơn bão mạnh bất thường. Hơn nữa, tổng lượng mưa năm có thể không nhiều nhưng có khả năng xảy ra những cơn mưa lớn thời đoạn ngắn, cục bộ, gây ra thiên tai cực đoan như lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á, tôi cho rằng các quốc gia hiện nay cần nghiên cứu căn cơ nguồn cơn của biến đổi khí hậu gia tăng và hiện tượng thời tiết cực đoan, nghiên cứu cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc để chia sẻ cơ sở dữ liệu, có một “mái nhà chung” về cơ sở dữ liệu, bảo vệ khí quyển chung của thế giới nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
Tóm lại, thực trạng các đợt nắng nóng và tình hình thay đổi khí hậu liên quan đến biến đổi khí hậu và El Nino là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự quan tâm và hành động quyết liệt từ tất cả các quốc gia. Chúng ta cần hợp tác và thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống không chỉ cho hiện tại mà cho cả muôn đời sau.
PV: Theo báo cáo tháng 5 của WMO, đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và El Nino, nhiều khả năng thế giới sẽ vượt giới hạn tăng nhiệt 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới. Theo Giáo sư, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và nó sẽ tác động đến thế giới như thế nào?
GS.TS Trần Hồng Thái: Ngày 17/5/2023, WMO cảnh báo có ít nhất 1 năm trong thời kỳ từ năm 2023-2027, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ cao hơn 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (với xác suất khoảng 66%). Và có ít nhất một năm trong năm năm tới, và cả giai đoạn 5 năm tới nói chung sẽ là thời kỳ nóng nhất từng được ghi nhận (với xác suất khoảng 98%).
Dự báo này không có nghĩa là trái đất chúng ta sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5°C được quy định trong Thỏa thuận Paris, vì thỏa thuận này đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, WMO đang cảnh báo rằng chúng ta sẽ tạm thời vi phạm mức 1,5°C với tần suất ngày càng tăng,
Nguyên nhân chính là do tác động của biến đổi khí hậu làm cho trái đất ngày càng nóng lên. Ngoài ra, WMO cũng nhấn mạnh nguyên nhân là do tác động của hiện tượng El Nino đã có dấu hiệu hình thành và dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những tháng của nửa cuối năm 2023 và sang năm 2024. Sự kết hợp của 2 yếu tố này có thể sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng lên mức cao chưa từng có. Điều này sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe con người, an ninh lương thực, quản lý tài nguyên nước và các vấn đề về môi trường ở nhiều nơi trên toàn thế giới.
PV: Mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã lên tiếng rằng biến đổi khí hậu đã vượt tầm kiểm soát. Vậy các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần triển khai các giải pháp cấp bách gì, thưa ông?
GS.TS. Trần Hồng Thái: Thế giới đã không còn sự hoài nghi về biến đổi khí hậu. Trước đó, chúng ta đã mất nhiều năm để tranh cãi về vấn đề biến đổi khí hậu có diễn ra hay không và chúng ta đã xác định giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt, không đùn đẩy trách nhiệm cho thế hệ mai sau.
Tại COP 26, Việt Nam là 1 trong nhiều nước trên thế giới cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, thậm chí, có hơn 105 quốc gia đã cam kết giảm 30% phát thải methane vào năm 2030. Đây là những cam kết hết sức quan trọng, góp phần giảm thiểu nguyên nhân căn cơ gây ra biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các quốc gia thực hiện đầy đủ cam kết, biến đổi khí hậu dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và hiện tượng khí hậu cực đoan được dự đoán sẽ tiếp tục xảy ra với cường độ và tần suất cao hơn.
Đặc biệt, một trong những giải pháp hết sức quan trọng ngành KTTV cần thực hiện là cùng nhau xây dựng “Hệ thống Cảnh báo sớm cho tất cả”. Nếu chúng ta đưa ra được các thông tin cảnh báo sớm sẽ góp phần giảm thiểu các thiệt hại thiên tai do các cơn bão gây ra, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo cơ cấu lại nền kinh tế.
Chẳng hạn, đợt xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô 2019/2020 là đợt kỷ lục trong vòng 50 năm, nhưng nhờ có thông tin dự báo, cảnh báo sớm của ngành KTTV, Chính phủ và các địa phương đã cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, do đó thiệt hại đã giảm xuống đáng kể, chỉ bằng dưới 10% so với hạn mặn năm 2016.
Đối với Việt Nam, ngành KTTV sẽ tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành KTTV có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu nên dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế, hiệu quả đối với đất nước.
Các thông tin về dự báo không chỉ đơn thuần thông báo các chỉ số thời tiết, mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động - đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng của hình thái thời tiết cụ thể trong thời gian cụ thể, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Ngành KTTV đang cố gắng xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu.
Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo, đồng thời tích cực phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để tăng cường xây dựng, các thành tựu khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác KTTV.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hệ thống Cảnh báo Sớm mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội cho xã hội và là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự chống chịu với thời tiết và khí hậu cực đoan, điều này là cơ sở cho việc đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) như chấm dứt nghèo đói (SDG 1), đảm bảo an ninh lương thực (SDG 2), đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh (SDG 3), giải quyết vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới (SDG 5),…