Biến đổi khí hậu

Ứng phó với BĐKH ở Bến Tre: Hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững

Bạch Thanh (thực hiện) 26/09/2023 - 17:50

(TN&MT) - Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, tỉnh Bến Tre đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp ứng phó để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, nhằm hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre xung quanh nội dung này.

tham.jpg
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre

PV: Xin ông hãy cho biết đôi nét về tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian qua?

Ông Bùi Văn Thắm:

Là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và nằm ở giữa hạ lưu bởi 4 con sông lớn cùng hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, Bến Tre có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi trong phát triển kinh tế, song cũng gây nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Hàng năm, các loại hình thiên tai đã gây tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, thiên tai đã làm 43 người chết, 84 người mất tích, 819 người bị thương; trên 28.000 căn nhà bị sập đổ và 100.000 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; 200.000 ha lúa bị thiệt hại và 100.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng; gần 250.000 km đê bao, bờ bao bị ngập úng, sạt lở; trên 350.000 người bị thiếu nước sạch sử dụng. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 8.000 tỷ đồng.

Gần đây nhất là hạn mặn mùa khô năm 2015-2016 ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.800 tỷ đồng, đến hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 ước tính thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, tỉnh Bến Tre cũng thuờng xuyên bị ảnh hưởng bởi dông lốc gây ra; trong 5 năm qua, dông lốc đã gây hư hỏng, tốc mái khoảng 1.000 căn nhà ở của người dân, trong đó 3 huyện ven biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Riêng về tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, những năm qua, trên địa bàn đã xảy ra 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km. Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm với tổng chiều dài khoảng 115 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển 8 điểm với tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển. Hiện tại, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển hầu như ít phát sinh mới, tuy nhiên mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, như sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng.

h2(1).jpg
Các đơn vị chức năng kiểm tra dự án kè mềm thí điểm bảo vệ bờ biển Thạnh Phú, Bến Tre

PV: Như vậy, dưới tác động tiêu cực của BĐKH gây ra, tỉnh Bến Tre đã có những giải pháp gì để chủ động ứng phó nhằm góp phần ổn định sản xuất và nâng cao đời sống người dân địa phương?

Ông Bùi Văn Thắm:

Thời gian qua, công tác ứng phó BĐKH được quan tâm và triển khai rộng khắp các Sở, ban, ngành tỉnh; cũng như các tổ chức đoàn thể, cấp huyện, cấp xã và nhân dân cùng tham gia. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức được chú trọng và thực hiện thường xuyên hàng năm. Qua đó, nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh được tiếp cận với kiến thức, thông tin về BĐKH góp phần thay đổi nhận thức trong chủ động ứng BĐKH.

Nhiều mô hình sinh kế, canh tác thích ứng BĐKH được thí điểm nhận được sự hưởng ứng và tham gia của nông dân và các mô hình đạt kết quả tốt đã tạo được việc làm và cải thiện thu nhập cho các hộ tham gia mô hình. Các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường như tiết kiệm nước, dự báo, cảnh báo thủy văn, năng lượng tái tạo đã bước đầu phát triển và ứng dụng trong thích ứng, cảnh báo, dự báo và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong đó, các dự án tiêu biểu đã được thực hiện như: Nghiên cứu ứng dụng chất giữ ẩm và đề xuất kỹ thuật sử dụng cho đất trồng cây ăn trái; Đánh giá thực trạng xâm nhập mặn vào đất và nước vùng cửa sông ven biển Bến Tre trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng và đề xuất các giải pháp ứng phó; Đánh giá hiện trạng, dự báo biến động đường bờ biển tỉnh Bến Tre trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng và đề xuất các giải pháp phát triển bãi bồi thân thiện với môi trường; Triển khai nghiên cứu chế phẩm sinh học cải tạo, xử lý đất nhiễm mặn...

Bên cạnh, Sở Nông nghiệp cũng đã phối hợp với Ban Quản lý dự án Nông nghiệp tỉnh thực hiện các tiểu dự án tại huyện Ba Tri và huyện Thạnh Phú xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững người dân vùng ven biển nhằm thích ứng với BĐKH. Dự án ngoài hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như đê biển và nạo vét hệ thống kênh còn góp phần ổn định sinh kế, cải thiện đời sống người dân 2 huyện biển này trong điều kiện BĐKH dựa trên việc phát huy lợi thế của vùng.

Đồng thời, các dự án thủy lợi trọng điểm về xâm nhập mặn, điều tiết nước đã và đang được triển khai như: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; Hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; Hồ chứa ngọt Kênh Lắp, huyện Ba Tri; Dự án Cấp nước sinh hoạt Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH; Xây dựng Hồ chứa nước ngọt lạc địa xã Phú Lễ, huyện Ba Tri; Đầu tư trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống truyền tải; Xây dựng hạ tầng thiết yếu hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái hoa kiểng khu vực Mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách...

Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, Bến Tre đã tập trung đầu tư xây dựng khoảng hơn 50 công trình thủy lợi lớn nhỏ, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu, ngăn mặn và triều cường, trữ ngọt, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh.

h3(1).jpg
Đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt nhằm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh

PV: Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thì tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Bến Tre sẽ có những nhiệm vụ gì để ứng phó, thưa ông?

Ông Bùi Văn Thắm:

Qua nhận định mùa khô năm 2023-2024 của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến nghị UBND các huyện, thành phố trong tỉnh có thông tin tuyên truyền cụ thể để người dân có những biện pháp chủ động phòng ngừa và thích ứng, giảm thiểu các rủi ro do thời tiết cực đoan gây ra, nhất là về “nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL”.

Ngay từ lúc này, tỉnh Bến Tre sẽ rà soát, cập nhật các kế hoạch về phòng chống, ứng phó với thiên tai theo quy định, phù hợp với nhận định tình hình thiên tai của ngành, đơn vị chuyên môn. Trong đó chú trọng đến phương án về ứng phó với các loại hình thiên tai như: dông lốc, bão, áp thấp nhiệt đới; triều cường, ngập úng, tràn, vỡ đê; sạt lở bờ sông, bờ biển; xâm nhập mặn.

Song song đó, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó triều cường những tháng cuối năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão, triều cường; cảnh giác với diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa, bão năm 2023.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa này bằng nhiều hình thức đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường. Cùng với đó, rà soát diện tích vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng, cây trồng khác và vật nuôi có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp, góp phần giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Bến Tre cũng sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải và ứng phó hiệu quả với BĐKH, sử dụng hiệu quả tài nguyên; khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực nông nghiệp nông thôn; đồng thời tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH, nhằm giúp ổn định sản xuất và nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với BĐKH ở Bến Tre: Hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO