Ứng phó BĐKH ở Bến Tre: Chú trọng vùng cửa sông, ven biển
(TN&MT) - Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó, đặc biệt là chuyển đổi các mô hình sản xuất tại các vùng cửa sông, ven biển, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tập trung ứng phó
Bến Tre là địa phương ven biển với đường bờ biển dài và có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt và luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển diễn ra tại 8 điểm với tổng chiều dài khoảng 19km, làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.
Nghiêm trọng nhất vẫn là Ba Tri, hàng năm huyện này luôn phải đối mặt với tình trạng xâm thực bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều tuyến đê, công trình phòng chống thiên tai, khu vực đất quốc phòng, bờ sông, bờ biển bị sạt lở ăn sâu vào đất liền đã gây tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn, cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước tình hình trên, Bến Tre đã triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức và người dân về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở nguy hiểm... Từ năm 2020 đến nay, tỉnh tập trung đầu tư cho 22 dự án, công trình phòng chống sạt lở với tổng chiều dài khoảng 37km, kinh phí thực hiện 1.143 tỷ đồng.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã có quyết định ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Ba Tri, nhằm tạo điều kiện, tiền đề cho người dân phát triển sản xuất bền vững, ổn định và lâu dài; góp phần củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã khu vực biên giới biển; đồng thời, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển... của tỉnh.
Quy hoạch phù hợp
Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, công tác ứng phó BĐKH luôn được tỉnh quan tâm và triển khai rộng khắp các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, cấp huyện, xã và người dân cùng tham gia; đồng thời, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cũng được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã có nhiều mô hình sinh kế, canh tác thích ứng với BĐKH được thí điểm và nhận được sự hưởng ứng, tham gia của người dân địa phương cũng như các mô hình đạt kết quả tích cực.
Ông Dương Vĩnh Thịnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho hay, với đường bờ biển dài 65km, tỉnh Bến Tre đã ban hành chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông để mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và cả khu vực. Đây cũng là cơ hội cho tỉnh Bến Tre phát huy thế mạnh, đánh thức tiềm năng kinh tế biển, thúc đẩy liên kết phát triển vùng, tạo điều kiện cho các huyện biển của tỉnh vươn lên phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Trong đó, Bến Tre đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, du lịch và thủy sản; từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái.
Theo ông Dương Vĩnh Thịnh, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ứng phó với BĐKH, cũng như quan tâm thực tốt việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; đồng thời, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển.