Để chủ động phòng, chống bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp UBND các địa phương ven biển nắm lại số tàu thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước, thực hiện điều tiết bảo đảm an toàn hồ chứa.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại hệ thống đê điều trên địa bàn, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở, lưu ý với các nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng để sẵn sàng phương án di chuyển dân về nơi an toàn khi cần với phương châm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống.
Các địa phương tổ chức trực 24/24 giờ tại các ngầm tràn, đường giao thông, tuyên truyền nhân dân không ra suối đánh cá, vớt củi, bơi lội... khi có lũ.
Đối với các địa phương Móng Cái, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà... tổ chức kêu gọi tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm, thông báo đến nhân dân sẵn sàng phương án ứng phó với ảnh hưởng của bão, đặc biệt là với gió mạnh trên biển; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện cấm biển khi có lệnh. Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn sau bão, cảnh báo nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ.
Hai thành phố Cẩm Phả, Hạ Long rà soát xử lý để không xảy ra các điểm ngập lụt tại các khu dân cư khi có mưa kéo dài. Riêng huyện Cô Tô nắm chắc số lượng khách du lịch hoặc dự kiến sẽ du lịch trên đảo trong thời gian bão, để chủ động quản lý, thông báo điều chỉnh cho phù hợp, an toàn trước 12 giờ ngày 25/8.
Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Du lịch thông báo cho khách du lịch về bão và rà soát số lượng khách du lịch tham quan biển đảo, bảo đảm an toàn cho du khách khi có yêu cầu; chỉ đạo cảng vụ nội địa rà soát, nắm bắt số lượng tàu du lịch, tổ chức hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu khi có tình huống.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc triển khai các phương án phòng, chống thiên tai đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở khi có tình huống thiên tai (đặc biệt là mưa lớn) trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.