Ứng dụng nhiên liệu LNG để giảm phát thải khí nhà kính
Ngày 30/1, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp với Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”.
Phát biểu khai mạc, ông Tào Khánh Hưng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, xã hội, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Trước những khó khăn trên, Chính phủ nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng đã chủ động, tích cực tham gia vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu này tại Hội nghị COP 26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao, an toàn cho con người và môi trường. Đây được coi là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất, có hiệu quả kinh tế cao nhất. Ứng dụng của LNG bao gồm 5 ứng dụng chính, bao gồm: Dân dụng; Thương mại; Giao thông vận tải; Công nghiệp; Hóa chất/hóa dầu.
Trong công nghiệp, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác vì nó tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển trên khoảng cách dài. Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các quy định.
Trong xây dựng, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn nhiều so với dầu Diesel truyền thống, có nghĩa là ít khí thải độc hại hơn tại các công trường xây dựng. Thiết bị xây dựng chạy bằng LNG có thể mang lại tiết kiệm chi phí đáng kể do chi phí nhiên liệu thấp hơn và tuổi thọ động cơ lâu hơn. LNG cũng có thể sử dụng tại các công trường xây dựng ở vùng sâu vùng xa nơi các nguồn nhiên liệu khác có thể không dễ dàng tiếp cận.
Trong Logistics Vận tải, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn cho tàu vận tải, sản xuất ra lượng lưu huỳnh và chất thải rắn ít hơn so với dầu DO truyền thống. Các tàu chạy bằng LNG tiết kiệm nhiên liệu hơn và không gây tiếng ồn so với các tàu truyền thống.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, khó khăn và thách thức lớn nhất khi phát triển điện khí LNG theo quy hoạch điện VIII hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện LNG và tiêu thụ điện LNG. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của PVN/EVN còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án. Cách tiếp cận và xử lý của cơ quan quản lý các cấp như hiện tại sẽ làm giảm hiệu quả và nhiệt huyết của các nhà đầu tư và đối tác trong chuỗi dự án.
Trước thực trạng đó, TS Nguyễn Quốc Thập cho rằng, cần thay đổi nhận thức và tư duy. Điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện; điện khí LNG cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy; Điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn; Giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá; Các cam kết dài hạn và thị trường cũng là các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch.
Đồng thời, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch Điện: Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn. Thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG; kích cầu điện, kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng; tháo gỡ nút thắt liên quan đến cam kết huy động tổng sản lượng điện.
Đặc biệt, cần thiết một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch Điện VIII. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn.