Dựng bạt ngủ rừng, lần theo nước tiểu voọc
“Khi còn là sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tôi đã bị cuốn hút bởi những thông tin về voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà. Tôi phải thuê xe máy chạy đến bìa rừng, rồi đi bộ với mong muốn được thấy chúng bay nhảy, ăn uống, giao phối hay chăm sóc nhau. Chiêm ngưỡng nữ hoàng linh trưởng giữa rừng nguyên sinh thật tuyệt vời, nhưng mỗi khi thấy chúng bị bắt, bị bẫy thì ruột xót như cắt. Tôi bắt đầu đi theo dấu chân voọc như có ma lực”, Bùi Văn Tuấn bắt đầu kể về cái duyên của mình đối với voọc chà vá chân nâu, cũng là nơi bắt đầu để anh đam mê dành cả tuổi thanh xuân cho các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm.
Ghi chép số liệu khi trích xuất dữ liệu từ bẫy ảnh |
Khi ra trường, Tuấn theo chân đồng nghiệp đi làm dự án cho Hội Động vật học Frankfurt - Đức. Những năm tháng này lại thôi thúc anh chàng và bạn bè có cùng đam mê, tâm huyết nung nấu những dự án do chính người Việt nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học cho đất nước mình. 3 năm sau ngày rời cổng trường Đại học, Tuấn và các cộng sự đã cùng nhau sáng lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet).
Bắt đầu từ năm 2012 đến 2014, nhóm của Tuấn tập trung cho nhiệm vụ nghiên cứu vùng sống của voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà. Để có được dữ liệu về nữ hoàng linh trưởng này, sau khi xin phép cơ quan chức năng, Tuấn và các cộng sự phải lấy rừng làm nhà, hai người làm lán trại di động, ngụy trang bám rừng, tìm cách tiếp cận nhưng không để voọc thấy mình. Người còn lại cập nhật thông tin, hình ảnh về Trung tâm và tiếp tế lương thực. Có những thời điểm, muốn lần ra khu vực có nhiều voọc sinh sống thì không những bám theo các dấu vết như nguồn thức ăn, tiếng kêu, dấu chân mà còn phải ngửi… mùi nước tiểu của chúng!
Nhưng ám ảnh nhất ở rừng Sơn Trà không phải là muỗi, vắt, rắn, rết mà là những con ve chó sẵn sàng đục thủng da người, Tuấn rùng mình khi xem lại bức ảnh hàng chục con ve chó “tấn công” vào bụng mình như dính phải bom bi. Chiến dịch sống cùng voọc chà vá chân nâu quy mô đầu tiên khiến cả nhóm bủng beo, xanh xao nhưng đổi lại những cứ liệu thu thập được đã mở ra cho người dân, du khách và các nhà nghiên cứu, bảo tồn thấy được rõ nét “vương quốc” sinh sống của nữ hoàng linh trưởng ở Sơn Trà, là báu vật của Đà Nẵng.
Bùi Văn Tuấn ngụy trang như “lính bắn tỉa” để chụp ảnh voọc chà vá chân xám tại Núi Thành, Quảng Nam |
Sứ giả bảo tồn dựa vào cộng đồng
Sau thời gian cùng cộng sự hoàn thành nhiều dự án quan trọng về nghiên cứu và bảo tồn voọc chà vá chân nâu, tháng 9/2019, Tuấn rời GreenViet để dành thời gian chăm lo cho gia đình nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ rừng, nhớ những loài linh trưởng quý hiếm, nguy cấp mà mình có cơ may được tận mắt thấy, được tìm hiểu và đóng góp vào công tác bảo tồn. Cùng với việc “set up” lại nhịp sinh hoạt của gia đình, chăm sóc người vợ bị tai nạn giao thông, Tuấn dành một quãng nghỉ, lục lại kho tư liệu của mình để dựng thành các đoạn phim ngắn về hàng chục loài linh trưởng có ở các khu bảo tồn của Việt Nam đưa lên kênh YouTube có tên VOOC VIVU với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm. Những đoạn phim của Tuấn đi vào nhiều chương trình giảng dạy của trường học, các kênh truyền hình trong nước và cả quốc tế, trở thành nguồn tư liệu quý cho các hội thảo, các nghiên cứu khoa học về bảo vệ linh trưởng.
Bẵng đi một thời gian, người ta thấy Bùi Văn Tuấn tái xuất bên cạnh Tiến sĩ Noel Rowe, Giám đốc Quỹ bảo tồn linh trưởng quốc tế (Primate Conservation Inc), vào sâu trong khu rừng thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam, nơi phát hiện khoảng 60 cá thể voọc chà vá chân xám được đánh giá là quý hiếm hơn cả “nữ hoàng linh trưởng” tại Sơn Trà. “Khi biết được ở miền Trung Việt Nam có ngôi nhà của voọc chà vá chân xám, ông ấy đã từ Mỹ bay qua và nhờ tôi dẫn đi xem. Biết tôi đang làm đề tài thạc sĩ về chúng, ông Noel Rowe đã tài trợ 3.700 USD để nghiên cứu chuyên sâu trong dự án tài trợ 10.000 USD cho cộng đồng bảo tồn các cá thể voọc này. Tôi cũng chính thức chuyển từ “chân nâu” qua “chân xám”, làm người rừng ở Quảng Nam từ đó đến nay”, Tuấn trò chuyện.
Bùi Văn Tuấn cùng các chuyên gia nước ngoài trong một chuyến làm việc với người dân tham gia Dự án cộng đồng bảo vệ voọc chà vá chân xám tại Quảng Nam |
Để theo dấu chân voọc, ngoài việc hàng ngày ngụy trang như lính bắn tỉa, khi thì nấp bên hang đá, khi thì nằm trên thân cây trong bộ đồ màu rêu đặc chủng, Tuấn còn phải trang bị hệ thống máy móc đắt tiền, bẫy ảnh để có thể bắt được mọi khoảnh khắc của loài linh trưởng rất nhạy với hơi người này. Tuấn cho biết đàn voọc đã bị chia cắt thành nhiều nhóm do đây từng là một điểm nóng về phá rừng của Quảng Nam. Đề tài mà anh đang nghiên cứu cho luận văn của mình cũng như các đồng nghiệp của GreenViet đang thực hiện hướng tới những kết quả, đề xuất cụ thể cùng chính quyền sớm có giải pháp bảo tồn trước khi quá muộn.
Cùng với việc nghiên cứu khoa học, truyền thông trường học về bảo tồn động vật hoang dã, câu chuyện về Tuấn “voọc” còn gây được sự chú ý của cộng đồng người yêu động vật hoang dã, các tổ chức bảo vệ linh trưởng nguy cấp, quý hiếm tại nhiều nước trên thế giới. Chàng trai “người rừng” cũng dần trở thành sứ giả kết nối những người này đến với các trung tâm bảo tồn, các vườn quốc gia của Việt Nam. Thông qua việc thiết kế tour cho họ, Tuấn cũng trở thành cầu nối để giới thiệu nhiều chương trình tài trợ từ các tổ chức, cá nhân dành cho công tác bảo tồn dựa vào cộng đồng.
“Tôi nhận được nhiều lời mời làm việc từ các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước nhưng chưa dám nhận, vừa vì không đủ thời gian vừa sợ việc theo đuổi các dự án sẽ làm tôi bớt hoang dã. Giờ thì đang muốn tự mình vào rừng, sống cùng người dân bản địa và đưa những gì tôi tích lũy được vào cộng đồng dân cư, vào trường học, đặc biệt là những người trẻ”, Tuấn trải lòng.