Tủa Chùa (Điện Biên): Quản lý chặt khai thác đá xây dựng

Hoàng Châu| 29/04/2020 09:05

(TN&MT) - Tủa Chùa là huyện được đánh giá có tiềm năng về khoáng sản đá vôi sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay, một số điểm mỏ trên địa bàn đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác. Do đó, để bảo vệ môi trường, tránh lãng phí tài nguyên, hài hòa lợi ích kinh tế và đảm bảo các vấn đề xã hội, những năm qua huyện Tủa Chùa đã tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác đá xây dựng trên địa bàn.

Huyện Tủa Chùa hiện có 3 điểm mỏ được cấp phép khai thác đá.

Huyện Tủa Chùa hiện có 3 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: Ðiểm mỏ Sín Sủ (xã Xá Nhè) của Công ty TNHH Hoàng Ánh tỉnh Ðiện Biên, được cấp phép khai thác năm 2018; điểm mỏ Pằng Dề B (xã Xá Nhè) của Công ty TNHH Trường Thọ Ðiện Biên được cấp phép năm 2016 và điểm mỏ Ðèo Gió (xã Sính Phình) của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Duy Hồng, được cấp phép năm 2018. Các điểm mỏ đều có thời gian khai thác là 30 năm, với công suất khai thác đạt 8.000m3/năm.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa cho biết: Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản nói chung và khoáng sản là đá vôi nói riêng trên địa bàn huyện dần đi vào nề nếp. Huyện Tủa Chùa đã chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Hàng năm, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, cũng như tập trung bảo vệ và ngăn chặn hoạt động khai thác đá trái phép.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra điểm mỏ có sự tham gia của chính quyền các xã có điểm mỏ đang hoạt động. Nội dung các cuộc kiểm tra khá đồng bộ và toàn diện, như: Có thực hiện khai thác đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất theo quy định; thực hiện đúng, đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương pháp, quy trình kỹ thuật; đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn mỏ, an toàn lao động, an toàn vật liệu nổ; nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…

Ngoài ra, huyện cũng rất quan tâm đến hoạt động giám sát cộng đồng của nhân dân. Khi có phản ánh của người dân về các cá nhân, tổ chức khai thác đá xây dựng nói riêng và khai thác khoáng sản nói chung được cho là trái phép hoặc người dân xung quanh khu vực mỏ khai thác phản ánh hoạt động khai thác gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, UBND huyện thành lập đoàn công tác đến kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác đá xây dựng được huyện Tủa Chùa đẩy mạnh thực hiện.

Song song với công tác kiểm tra, giám sát, UBND huyện Tủa Chùa thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác đá xây dựng như: Phòng Tài nguyên và môi trường; Kinh tế - Hạ tầng chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn.

Ông Nguyễn Ðỗ Nghị, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Duy Hồng cho biết: Ðiểm mỏ Ðèo Gió được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác tại Quyết định số 06/GP-UBND ngày 12/4/2018 với trữ lượng khai thác 267.887m3, công suất khai thác 8.000m3/năm. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục liên quan và đầu tư xây dựng đường vào điểm mỏ nên chưa có hoạt động khai thác. Khi đầy đủ thủ tục mới tiến hành khai thác đá, trong quá trình khai thác, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Thực tế cho thấy, số lượng các doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến đá xây dựng trên địa bàn huyện Tủa Chùa chưa nhiều, thời gian khai thác chưa lâu nên nhìn chung các chủ mỏ đã cơ bản chấp hành tốt các quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tủa Chùa (Điện Biên): Quản lý chặt khai thác đá xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO